Trong 2 ngày 8 và 9/12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Mặt trận năm 2016 các tỉnh khu vực Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng). Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình; Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn; Chủ tịch MTTQ tỉnh Hồ Văn Điềm cùng lãnh đạo các tỉnh trong cụm thi đua.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ tình hình và kết quả công tác Mặt trận của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và của mỗi địa phương nói riêng với những nỗ lực, cố gắng rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do những khó khăn chung của tình hình kinh tế trong nước, sự bất lợi về khí hậu, địa lý cũng như điều kiện phát triển của vùng miền đặt ra.
Năm 2016, tình hình thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp gây thiệt hại đến các loại cây trồng, vật nuôi và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Một số mặt hàng nông sản giá cả bấp bênh, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.
Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào dân tộc để truyên truyền đạo trái pháp luật, kích động, xúi giục đồng bào vượt biên, trốn ra nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
Thực trạng trên đã khiến một bộ phận người dân băn khoăn lo lắng về tình hình, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; một số chế độ chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Theo ông Lâm Thế Tổng, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Gia Lai mặc dù vậy nhưng dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, MTTQ các tỉnh trong cụm khu vực Tây Nguyên đã chủ động kịp thời tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả hạn hán, từng bước ổn định đời sống của nhân dân.
Thường xuyên hướng mọi hoạt động về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân kiên trì khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, MTTQ các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung công tác Mặt trận, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các địa phương đã chủ động, sáng tạo lồng ghép nội dung các Cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với thực tiễn tại địa phương nhằm tăng thêm sự hiệu quả, nhất là việc phát huy tinh thần dân chủ để các tầng lớp nhân dân chủ động phát huy sáng tạo, hiến kế, hiến công, hiến đất, góp tiền...trong xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được Mặt trận các cấp trong khu vực phát động triển khai như Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm đồng bào dân tộc thiểu số”, mô hình “Liên kết hộ giúp nhau là giàu”, “Cánh đồng mẫu lớn” ở Gia Lai; “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư lành mạnh không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “không rải vàng mã, không để người chết trong nhà quá thời gian quy định” ở Lâm Đồng đã từng bước tạo sự chuyển biến trong đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cũng được Mặt trận các cấp trên địa bàn quân tâm, trong đó MTTQ tỉnh Gia Lai đã vận động được hơn 1,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở, làm giao thông nông thôn; vận động nhân dân hiến hơn 100 ngàn m2 đất, 300m tường rào, 50m2 ao; Đắk Lắk vận động được 80 tỷ đồng, 27.000 ngày công, 95.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi...
Cùng với đó, công tác chăm lo, giúp đỡ người nghèo đã được quan tâm, chú trọng. Đơn cử như tỉnh Gia Lai đã vận động được hơn 11 tỷ đồng, Kon Tum hơn 8,2 tỷ đồng, Đắk Lắk là 19 tỷ đồng, Đắk Nông hơn 1,2 tỷ đồng và Lâm Đồng là 11 tỷ đồng.
Trong công tác đối ngoại nhân dân, MTTQ các tỉnh đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng không nghe, không làm theo lời kẻ xấu như xâm nhập biên giới, vượt biên trái phép để giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng. Đồng thời tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các tỉnh của hai nước bạn Lào và Campuchia về tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã ghi nhận và biểu dương những kết quả thực hiện 5 chương trình phối hợp và thống nhất hành động của năm 2016 mà MTTQ 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt được, trong đó có những mô hình, điển hình, cách làm mới cần ghi nhận, nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc là một kinh nghiệm rất đáng học hỏi cho các địa phương khác.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện và địa bàn thực hiện nhưng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã có từ 96 đến 98% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội.
Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình nhấn mạnh, công tác Mặt trận năm 2016 của các tỉnh trong Cụm đã góp phần rất quan trọng trong việc vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị của các địa phương, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên các địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đó là nhận thức về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của một số cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thật sự đầy đủ, vì vậy trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và triển khai công tác Mặt trận ở một số địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, việc bố trí cán bộ, kinh phí chưa đầy đủ, kịp thời.
Theo ông Lê Bá Trình, yếu điểm này đến từ hai phía: về phía cấp uỷ, chính quyền thì sẽ có chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật sẽ được điều chỉnh. Nhưng về phía chủ quan chính MTTQ mỗi tỉnh phải tự khẳng định mình trong hệ thống chính trị và trong xã hội thông qua hiệu quả hoạt động và thực hiện 5 chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm.
Việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận các cấp chưa đồng bộ; nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở, nội dung, hình thức hoạt động vẫn còn cứng nhắc, nghèo nàn, chưa phát huy tốt việc thu hút, đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội còn những lúng túng, nhất là phản biện xã hội các chương trình, dự án có tác động lớn đến tập quán sản xuất, môi trường, xã hội; công tác phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân còn hạn chế, chưa kịp thời đáp ứng với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;
Công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền và các tổ chức thành viên ở một số nơi còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện ở địa phương.
Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu và quý I/2017, ông Lê Bá Trình đề nghị MTTQ các tỉnh tổ chức sơ kết các phong trào, các Cuộc vận động; triển khai ngay hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành các cấp, các chức sắc, tín đồ theo đạo Công giáo và Tin lành trong dịp Lễ Noel năm 2016.
Chủ động tổ chức các hoạt động kịp thời, thiết thực chăm lo cho người nghèo, các hộ gia đình chính sách có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, phân công cho các tổ chức thành viên tiếp cận và kịp thời giải quyết, hỗ trợ những trường hợp cụ thể, quyết tâm không để có tình trạng thiếu đói xảy ra trong nhân dân trong những ngày cuối năm và dịp Nguyên đán Đinh Dậu.
Ông Hồ Văn Điềm - Chủ tịch MTTQ tỉnh Gia Lai: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn nhiều hạn chế.
“Nhìn vào thực tế hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các tổ chức đoàn thể. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân. Cần cụ thể hóa nội dung Nghị định 50/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật MTTQ Việt Nam chưa quy định rõ về nội dung giám sát, phạm vi giám sát, các cơ chế điều kiện đảm bảo hoạt động giám sát, nhất là việc xử lý các kiến nghị sau giám sát”.
Ông Phạm Thanh - Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Đắk Nông: Nâng cao chất lượng công tác đối ngoại
“Là một tỉnh có chiều dài biên giới trên 130 km đường biên , nên công tác đối ngoại của tỉnh trong những năm qua đặc biệt quan tâm. Năm 2016, MTTQ tỉnh đã triển khai hướng dẫn số 03/HD -MTTQ - BTT từ tỉnh xuống địa phương. Đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan hữu quan trú trọng triển khai, thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại. Thông qua các đợt tập huấn, tuyên truyền nhận thức và việc làm của quần chúng nhân dân không ngừng được nâng cao. Nhân dân các xã vùng biên giới đã ký cam kết thực hiện tốt luật biên giới quốc gia, không vi phạm quy chế biên giới, không chặt phá rừng làm nương rẫy, không vượt biên trái phép,... Biên cạnh đó, tỉnh cũng có quy chế phối hợp kết nghĩa với các tỉnh biên giới Campuchia xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị”.