Chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát

Tiến Đạt (thực hiện) 25/07/2023 06:27

Theo ông Dương Đình Khuyến - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã cho thấy nhiều đổi mới, sáng tạo cũng như bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Trong đó, việc trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát cần được quan tâm thực hiện nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động này.

Ông Dương Đình Khuyến.

PV: Thưa ông, giám sát, phản biện xã hội được coi là nhiệm vụ cấp thiết. Ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 của MTTQ Việt Nam?

Ông Dương Đình Khuyến: Giám sát, phản biện xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội ở địa phương thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực, như giám sát cán bộ và công tác cán bộ, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp...

Với vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành ký kết, phối hợp giám sát nhiều vụ việc cụ thể, tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại. Đặc biệt các kiến nghị của đoàn giám sát đã được các cơ quan chức năng chấp thuận, xem xét và giải quyết. Nếu giám sát mà không đi theo đến cùng của vụ việc, không chú trọng sau giám sát thì rất khó đạt hiệu quả cao.

Thực tế hiện nay cho thấy tại một số nơi các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết. Vậy cần có cơ chế gì để sớm khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Hiện nay cơ chế để các cơ quan chức năng trả lời kiến nghị sau giám sát là có, tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa thực hiện cơ chế đó một cách nghiêm túc. Kiến nghị sau giám sát là trách nhiệm của đoàn giám sát phải nêu, nhưng trên tinh thần “theo đến cùng vụ việc” thì vẫn còn tình trạng các cơ quan chức năng chưa thể hiện được hết trách nhiệm của mình.

Cũng cần phải nói thêm trong quá trình giám sát, cơ quan nhà nước cần công khai, minh bạch những vấn đề trong tổ chức hoạt động cho đoàn giám sát cũng như cho người dân biết để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Theo ông cần có những giải pháp nào trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên?

- Theo tôi, năng lực cũng chỉ là một phần, thực tế vẫn còn tình trạng nể nang trong giám sát cùng cấp, đôi khi chưa nói thẳng được với nhau. Tôi cho rằng thay vì giám sát cùng cấp, cần thay thế bằng cơ quan cấp trên giám sát cơ quan cấp dưới, từ đó sẽ hiệu quả hơn.

Việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 của MTTQ Việt Nam là cần thiết, trên cơ sở đó MTTQ Việt Nam cần xem xét, đánh giá và tìm ra những giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Theo nhận định của tôi, MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu giám sát từng vụ việc cụ thể, giám sát có chọn lọc, lựa chọn những vụ việc đang là điểm nóng, được dư luận xã hội, người dân quan tâm và theo đến cùng vụ việc.

Các kiến nghị sau giám sát cần được các cơ quan chức năng trả lời rằng được chấp nhận hay không, và nêu rõ lý do chấp nhận hay không chấp nhận. Đó là sự quan trọng của giám sát, phản biện xã hội. Tôi hy vọng sau sơ kết 5 năm, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ quan tâm hơn nữa đến việc xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát của các cơ quan nhà nước, từ đó mang lại hiệu quả cao cho công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO