Mặt trận

Chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát

Thanh Tiến 12/04/2024 19:55

Chiều 12/4, tại huyện Càng Long, Trà Vinh đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa Thường trực tỉnh uỷ với các Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ 5. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng tham dự. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận sâu về công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Những năm qua công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có nhiều tiến bộ; có mở rộng phạm vi, quy mô đồng thời cũng chú trọng tăng cường chất lượng, chiều sâu. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tế như: chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều; Các ý kiến, kiến nghị sau giám sát phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc trong việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.

Việc lựa chọn nội dung, đối tượng, hình thức giám sát có nơi có lúc chưa được linh hoạt… Một số nơi còn nhầm lẫn hoạt động giám sát với hoạt động kiểm tra nội vụ; nhầm lẫn giữa phản biện xã hội với góp ý…

anh-bai-chi-anh-1.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Các đại biểu cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác giám sát, phản biện xã hội. Đó là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội...; Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp còn chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội;... vẫn còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm trong công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Sự phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức chính trị - xã hội có lúc chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ.

anh-bai-chi-anh-2.jpg
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Triết phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhận định những đóng góp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận góp phần rất quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các đại biểu cũng đã có những góp ý rất đúng, rất trúng về những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.

“Hiệu quả chưa cao, kiến nghị sau giám sát chưa được kịp thời giải quyết cho nên đâu đó niềm tin của người dân còn chưa đồng thuận cho lắm. Giám sát của Mặt trận là giám sát đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Cho nên kiến nghị sau giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được giải quyết, chưa được xem xét có nghĩa là niềm tin của nhân dân vào tổ chức đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân chưa được cao.

Thứ hai, việc phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát. biện xã hội chưa được chặt chẽ, thường xuyên cho nên kết qủa của mỗi một tổ chức còn rời rạc, chưa có sự phân công, phân nhiệm để tránh chồng chéo. Công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức đoàn thể với HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát cũng chưa cụ thể cho nên cũng có những nội dung HĐND giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận cũng giám sát…

Thứ ba, những kiến nghị chỉ ra cho đối tượng giám sát, đối tượng được giám sát chưa được cụ thể, rõ ràng. Một số kết quả giám sát, kiến nghị giám sát còn chung chung. Nhiều nơi chưa phân biệt được phản biện, xã hội và góp ý văn bản. Gọi là phản biện xã hội nhưng chỉ là góp ý nên hiệu quả phản biện xã hội chưa cao” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá.

anh-bai-chi-anh-4.jpg
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, những nơi nào không thực hiện việc tiếp thu, trả lời, giải kiến nghị của Mặt trận và các tổ chính trị- xã hội sau giám sát thì phải chịu trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, những nơi nào không thực hiện việc tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị của Mặt trận và các tổ chính trị- xã hội sau giám sát thì phải chịu trách nhiệm. “Ban thường vụ Tỉnh uỷ Trà Vinh có quyết định giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền trong việc tiếp thu, trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Như vậy là đã tạo cơ chế cho để những kiến nghị sau giám sát đi vào hiện thực, với kết quả 76% các đơn vị được giám sát có văn bản trả lời kiến nghị sau giám sát. Tuy nhiên, còn một bước nữa, nếu như cụ thể hoá quy định của Trung ương thì tôi cho rằng những nơi nào không thực hiện việc tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội sau giám sát thì phải chịu trách nhiệm” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nói.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết thêm, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 18 về nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp thì Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024-2029.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lên kế hoạch sẽ tổ chức một số hội thảo, toạ đàm về các hoạt động giám sát ở các địa phương, ở các cấp để thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp khắc phục các điểm nghẽn trong hoạt hoạt động giám sát, phản biện để đưa vào đề án. Đề án này sau khi hoàn thiện, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ thông qua. Trên cơ sở đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO