Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, các phòng tham vấn tâm lý học đường ở nhiều trường học đa phần chỉ hoạt động cầm chừng, hoạt động chỉ để cho có...
Diễn ra trong 2 ngày (20 và 21/12) tại Hà Nội, Hội nghị tập huấn sử dụng tài liệu, sổ tay công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức nhằm góp phần tăng cường kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết.
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT): Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cũng như nhận thấy vai trò của cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học, giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để thực hiện ngày càng tốt hơn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, Bộ GDĐT đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn Sổ tay hướng dẫn thực hành công tác xã hội trường học, Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, Tài liệu hướng dẫn Công tác xã hội trong phòng ngừa lao động trẻ em thông qua trường học.
Ông Việt cho biết, theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình. Chính vì vậy, việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) từng nhiều lần chia sẻ, ở các trường học có phòng tư vấn tâm lý học đường, nhưng gặp khó khăn do không có biên chế và rất khó tuyển dụng vị trí này. Giáo viên tư vấn đa số là kiêm nhiệm, có người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch, tin yêu.
Mới đây, tại Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức tại Hà Nội, các học sinh tại hội thảo bày tỏ mong muốn, phòng tâm lý có không gian rộng thoáng, được trang trí đẹp mắt, thân thiện, có hoa, có nhạc, có nhiều thiết bị tiện ích. Và hơn cả là thầy/cô phụ trách phòng tâm lý phải tôn trọng, yêu thương, nhẹ nhàng, thân thiện với các em; quan trọng nhất là giữ bí mật những câu chuyện các em kể lại...
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên, cung cấp các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, các yếu tố bảo vệ và cơ hội để nâng cao, hỗ trợ sức khỏe tâm thần… Dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý dành cho học sinh tại trường phổ thông được Bộ GDĐT ban hành, tuy nhiên đến nay vẫn còn khoảng 70% trường học trong cả nước không có phòng tham vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, khiến các em thiếu đi sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp.