Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” diễn ra vào sáng 12/6, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các vấn đề trọng tâm trong đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam cần đặc biệt quan tâm xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn, chọn cử các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia Ủy ban.
Theo ông Lê Truyền, vai trò và số lượng các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam mỗi khóa đều được tăng thêm, trách nhiệm của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như Mặt trận các địa phương và các tổ chức thành viên là rất lớn trong việc phối hợp để phát hiện, giới thiệu, chọn cử được số lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu, bồi dưỡng và phát huy các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Nếu như số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X dự kiến tăng lên 10% thì số tăng thêm này chủ yếu sẽ là các cá nhân tiêu biểu.
"Cần ưu tiên tăng cho nhóm các nhân sĩ trí thức tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn có liên quan nhiều đến tổ chức và công tác Mặt trận. Nên mời một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã hoặc sắp nghỉ hưu có tâm huyết và am hiểu chính sách Mặt trận, công tác Mặt trận", ông Truyền đề xuất.
Ở góc độ khác, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, những năm gần đây, Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, ban tư vấn cấp huyện và cộng tác viên ở mỗi cấp đã giúp Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn, ban tư vấn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cơ sở chính trị - pháp lý về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn, ban tư vấn chưa đầy đủ.
GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị cần sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, nghiên cứu sửa Điều 12 của Điều lệ hiện hành để xác định đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của các tổ chức tư vấn với các cơ quan của MTTQ Việt Nam mỗi cấp, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các hội đồng tư vấn.
"Cần xây dựng các ban chuyên môn, trong đó tập trung xây dựng ban dân chủ - giám sát - phản biện đủ mạnh, am hiểu sâu sắc những vấn đề dân chủ và pháp luật để tham mưu, tổng hợp giúp các hội đồng thực hiện các nhiệm vụ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp giao", ông Đường cho hay.
Đồng quan điểm với GS.TS Trần Ngọc Đường, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, MTTQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng và được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Bởi vậy, MTTQ Việt Nam phải đổi mới sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao gửi, đặc biệt phải đổi mới trong chính bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam theo đúng tinh thần Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị và theo đúng vị trí việc làm hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Doan, đổi mới phải bắt nguồn từ UBTƯ MTTQ Việt Nam, đây là cơ sở để đổi mới hoạt động trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, việc bổ sung các vị, các đại biểu tham gia Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban phải đảm bảo cơ cấu, thành phần để mỗi người khi được hiệp thương cử đều cảm thấy được công bằng, bình đẳng và có những đóng góp tích cực cho hoạt động của Mặt trận.
“Đã là cơ chế Ủy ban thì phải có Hội đồng Tư vấn để đề xuất những ý kiến đối với hoạt động của Mặt trận. Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng Tư vấn hiện nay không được quan tâm về chế độ, chính sách, tài liệu tham vấn. Cơ chế, chính sách này cũng không được đảm bảo, không được quan tâm xứng tầm cho người đứng đầu và những người hoạt động trong tổ chức Mặt trận”, bà Nguyễn Thị Doan nêu vấn đề và cho rằng phải đổi mới tư duy về con người, về nguồn lực đối với Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, đó chính là động lực để hệ thống MTTQ Việt Nam hoạt động hiệu quả và phát huy vai trò của mình.
Nhấn mạnh phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền để củng cố niềm tin trong nhân dân, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, thời gian tới, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phải chủ động đổi mới trong việc tổ chức những hội nghị thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu được những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang triển khai để củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin trong nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chia sẻ về mô hình tập hợp nhân dân ở các khu chung cư, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai thành lập Ban Công tác Mặt trận ở mỗi tổ dân phố có nhà chung cư, theo đó các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận tham gia Ban quản trị nhà chung cư để tạo thuận lợi cho hoạt động chung của tòa nhà. Đi sâu, đi sát đến từng người dân, Ban Công tác Mặt trận tại mỗi khu dân cư đã thực sự là hạt nhân đoàn kết, khơi dậy phát huy tiềm năng của cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có khối lượng công việc lớn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp với Ban quản trị nhà chung cư.
Nhằm khắc phục tồn tại này, ông Nguyễn Sỹ Trường đề xuất, các cấp ủy địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, nhân rộng mô hình "Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư" gắn với mô hình "Mỗi hộ gia đình giúp đỡ mỗi hộ gia đình". Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố và Ban quản trị nhà chung cư xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt quy chế để đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp khu dân cư phát triển bền vững, hướng tới xây dựng "Khu dân cư kiểu mẫu mới, mang đậm nét đô thị văn minh".