Chữa bệnh lười đọc sách

Bảo Anh 17/02/2023 06:28

Lâu nay, việc đọc sách không còn là đam mê, ngược lại, nhiều người không “ngó ngàng” đến. Người bi quan thì nói rằng, sách bây giờ đã lạc hậu, đã bị các phương tiện nghe nhìn cũng như những vui thú của cuộc đời thay thế. Người khác thì nói, đó là căn bệnh lười đọc sách, cần có “thuốc” điều trị.

Tại một cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi, do Hội Nhà văn Việt Nam phát động, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: “Bằng những trang viết của mình, làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống”. Tuy nhiên, muốn thế thì trước hết phải làm sao để các em chịu đọc sách.

Bệnh lười đọc sách là một thực trạng đáng buồn. Nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương thì trong bối cảnh xã hội có không ít vấn đề “nóng”, muốn văn học “giành lại thời gian từ phía độc giả” thì hẳn là phải cần một cuộc chiến trường kỳ.

Người lớn lười đọc sách, lây sang trẻ em. Trong nhiều gia đình hiện nay, tủ sách có đấy, nhưng chúng tồn tại như một thứ trang trí có phần xa xỉ. Ông bà, cha mẹ không đọc sách thì cũng không khuyến khích con cháu đọc sách được. Chưa hết, ở trường thầy cô cũng ít đọc sách. Thư viện nhà trường chủ yếu chỉ có sách giáo khoa, sách hướng dẫn học tốt môn này, học tốt môn kia. Có nghĩa chỉ là sách công cụ mang nhiều tính thực dụng may ra giúp cho học sinh có điểm số cao hơn; còn thì việc nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn cho các em là chuyện... tính sau.

Chỉ nói đến tác phẩm văn học không thôi cũng đủ thấy bệnh lười đọc sách nặng đến mức nào. Học sinh phổ thông và cả sinh viên cũng chỉ biết đến các tác phẩm trích dạy trong nhà trường. Có nghĩa là đọc sách một cách thụ động, không nghiên cứu, cảm thụ tác phẩm trọn vẹn mà chỉ nhắm tới mục đích việc trả bài, thi cử. Trong khi văn chương là một thế giới mênh mông, với biết bao tác giả, tác phẩm, bao tâm huyết dồn vào trang văn... thì vẫn chỉ “lởn vởn”đâu đó.

Người xưa nói: “Thư trung hữu kim” - có nghĩa là “Trong sách có vàng”. Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đều cổ vũ cho việc đọc sách. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama từng nói: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Theo nhà triết học Voltaire (1694-1778), những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người. Nhà văn Ernest Hemingway (1899-1961) thì nói không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách. Chỉ trong sách, con người mới biết đến sự thật, tình yêu và cái đẹp hoàn hảo. Còn Bernard Shaw (1856-1950) - nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Ireland, được trao giải Nobel Văn chương vào năm 1925 nói: “Chỉ trong sách, con người mới biết đến sự thật, tình yêu và cái đẹp hoàn hảo”.

Trở lại vấn đề, làm gì để chữa bệnh lười đọc sách trong giới trẻ? Thiển nghĩ, muốn thế thì trước hết phải chữa bằng được bệnh lười đọc sách của người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy giáo…); ngăn chặn không để nó lan sang giới trẻ, nhất là trẻ em. Chúng ta vẫn từng nghe nói “chiếc lược văn học cho thiếu nhi” nhưng liệu có khiến các em ham mê đọc sách, trong lúc mà cha mẹ, thầy cô không dành thời gian cho sách, chỉ chăm chú vào chuyện cơm áo gạo tiền.

Đọc sách có thể không đem tiền bạc đến cho chúng ta, nhưng làm tâm hồn ta thanh lọc, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Những điều đó thì tiền bạc không thể thay thế.

Vì vậy, ghé lại “đường sách”, thấy những bậc phụ huynh cùng con đi mua sách, bỗng thấy lòng mình ấm lại...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa bệnh lười đọc sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO