Chữa bệnh sợ sai

Nam Việt 19/04/2023 06:00

Nói về việc giải ngân vốn đầu tư công quý 1 năm nay chậm, ông Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng mặc dù chưa tháo gỡ hết được những khó khăn, vướng mắc nhưng những nút thắt đã được gỡ rất nhiều. Vậy thì tại sao tỷ lệ giải ngân vốn lại không tăng tương ứng? Ngoài yếu tố khách quan, ông Thụ đặt vấn đề rằng liệu có tình trạng sợ trách nhiệm hay không?”

Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công rất chậm chạp. Thủ tướng phải nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần; phải thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về việc này. Sang đến năm nay, hết quý I nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Đáng chú ý trong quý đầu tiên của năm nay, giải ngân vốn đầu tư công của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, trong đó có đến 13 đơn vị tỷ lệ giải ngân 0%. Cả nước đạt tỉ lệ khoảng 10%.

Để xảy ra tình trạng quá chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Bùi Đức Thụ, điều đầu tiên là phải làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan đến đâu, nếu càng lớn xử lý trách nhiệm càng nặng. Phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện cụ thể để có hình thức xử lý kỷ luật hành chính, hay phải xử lý ở mức độ xem xét thuyên chuyển công tác. Khi quyết định dự toán ngân sách nhà nước 2023, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ đã phải chấp nhận tăng tỷ lệ bội chi ngân sách, nới lỏng chính sách tài khoá để có nguồn bổ sung, tăng nguồn đầu tư nhà nước, nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng có tiền lại không tiêu được thì mục tiêu đó không còn ý nghĩa. “Tiền đi vay vẫn nằm yên trong kho bạc, lãi suất vẫn phải trả, tiền chi không hết, dẫn đến lãng phí ghê gớm và tăng gánh nặng cho ngân sách” - ông Thụ nói và cho rằng cũng không loại trừ vấn đề lợi ích cá nhân, muốn làm thì cứ phải có phần trăm, nhưng vì sợ trách nhiệm, nên không dám đụng vào.

Ông Thụ đề nghị phải xem xét rõ trách nhiệm người đứng đầu. Cần xử lý một vài trường hợp để tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống.

Năm nay, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước là 764.384,061 tỷ đồng, không bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển, nhiều hơn hẳn con số của năm 2022 là 52.060,258 tỷ đồng. Để giải ngân hết, đưa nguồn vốn quý giá đó đầu tư phát triển cần phải nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ của quý I vừa qua cho thấy nhiều lo ngại.

Muốn gỡ được nút thắt giải ngân vốn đầu tư công thì rất cần nhìn nhận thực tế và phải có biện pháp mạnh, phải có liều thuốc đặc hiệu để chữa căn bệnh tránh trách nhiệm, sợ sai.

Tháng 5/2022, phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư công có tiền mà vẫn không tiêu được thì "lạ quá!". Ở đời kiếm tiền mới khó, chứ tiêu tiền thì đâu có khó. Thế nên đầu tư công có tiền mà không tiêu được thì nghe rất lạ.

Trước đó, những vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ một bước. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... đã được thông qua. Theo đó, có sự phân cấp, phân quyền khá mạnh trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư. Đã cho phép tiến hành trước một loạt các hoạt động liên quan đến việc mua sắm và lựa chọn nhà thầu cho các dự án sử dụng vốn ODA...

Vậy thì có thể khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là bệnh né tránh trách nhiệm, sợ sai. Đã né tránh trách nhiệm, sợ sai thì ít ai dám nghĩ, dám làm. Nhưng cũng cần phải nói rằng, trong số nhiều cán bộ đã bị xử lý thời gian qua thì đã có ai bị oan đâu. Nếu làm đúng, làm vì lợi ích chung thì sao phải sợ. Sợ thì đứng sang một bên cho người khác làm, đó mới là người tử tế.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung (ngày 22/9/2021). Người làm việc vì lợi ích của tập thể, vì dân vì nước sẽ được ủng hộ, bảo vệ. Trái lại, người đùn đẩy trách nhiệm, vòng vo làm lỡ việc chung thì phải bị xử lý nghiêm khắc. Mà giải ngân đầu tư công bị chậm trễ chính là một việc rất cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa bệnh sợ sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO