“Chưa giàu đã già”, mắc nhiều bệnh tật và không có lương hưu là thực trạng chung của đa số người cao tuổi nước ta.
Theo tính toán, 6 năm nữa nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, với số người trên 65 tuổi chiếm hơn 10% dân số. Điều đó phần nào cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên. Tuy nhiên, “chưa giàu đã già”, mắc nhiều bệnh tật và không có lương hưu là thực trạng chung của đa số người cao tuổi nước ta. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dân số đến năm 2030 nhưng nếu mỗi người không chủ động phòng bệnh mãn tính thì chất lượng cuộc sống sẽ rất thấp khi về già.
Về hưu với mức lương hơn 6 triệu/tháng, khá cao so với mặt bằng chung, nhưng số tiền đó cũng không đủ để ông Nguyễn Minh Tài ở Yên Dũng, Bắc Giang chi trả tiền thuốc chữa bệnh và chi phí khám định kỳ sau 2 lần đặt stent động mạch vành. Mắc nhiều bệnh nền và gặp khó khăn về tài chính cũng là tình trạng chung của nhiều người cao tuổi ở nước ta hiện nay.
Người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Đây là thế hệ nông dân từng trải qua chiến tranh và nghèo khó về kinh tế, vì vậy, nhiều người sức khỏe kém. Từ thực tế khám chữa bệnh cho người già mắc nhiều bệnh mãn tính tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp cho biết: “Người cao tuổi cùng lúc có nhiều bệnh nền, trung bình 3-4 bệnh, có người mắc cùng lúc 13 loại bệnh, nên phải uống nhiều loại thuốc trong ngày. Bệnh nhân mắc đái tháo đường một ngày uống ít nhất 2 loại thuốc, tăng huyết áp ít nhất 2 loại thuốc, các bệnh khác nữa… Thực tế có bệnh nhân phải uống tới 12 loại thuốc/1 ngày, chỉ uống thuốc là đã no rồi".
Chưa giàu đã già, hiện có trên 70% người cao tuổi nước ta phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu. Chỉ gần 26% số người già sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng Dân số cho rằng, hệ thống y tế nước ta đang đứng trước thách thức lớn về chăm sóc sức khỏe khi số người già ngày càng tăng: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh; mạng lưới lão khoa chưa phát triển; môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn".
Chiến lược Dân số đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã đề cập nhiều giải pháp thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Trong đó có mục tiêu ít nhất một nửa số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tất cả người cao tuổi đều có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng hoặc cơ sở chăm sóc tập trung.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để giảm được gánh nặng bệnh tật một cách bền vững khi về già, ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần có lối sống khoa học để góp phần phòng tránh các bệnh mạn tính. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng cuộc sống và góp phần nâng cao chất lượng dân số.