Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk khẳng định đến thời điểm hiện nay chưa khẳng định được cháu H’Lệ Mlô mắc bệnh đầu nhỏ là do virus Zika gây ra hay không.
Quang cảnh buổi họp báo.
Sau khi được Bộ Y tế xác định là tỉnh đầu tiên trong cả nước có trường hợp trẻ biến chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến virus Zika, chiều nay (4/11), Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp này và những giải pháp phòng chống đang được tỉnh triển khai.
Bác sĩ Doãn Hữu Long cho biết: Trường hợp trẻ mắc bệnh đầu nhỏ nghi do nhiễm virus Zika là cháu H’Lệ Mlô bốn tháng tuổi, con chị H’Blươm Mlô, trú ở buôn TLan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búc, tỉnh Đắ Lắk.
Cháu H’Lệ Mlô sinh ngày 12/6/2016 tại Bệnh viện thị xã Buôn Hồ. Sau khi sinh cháu được phát hiện có chứng đầu nhỏ, vòng đầu 22 cm.
Ngày 8/9/2016, gia đình đã đưa cháu đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.
Ngày 10/9/2016, cháu được Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh chuẩn đoán bị dị tật bẩm sinh não.
Ngày 13/10/2016 cháu tái khám và được chẩn đoán: Dị tật bẩm sinh não, tật đầu nhỏ.
Hiện tại, vòng đầu của cháu là 30,5 cm, cân nặng 5,2 kg.
Về mẹ của cháu là chị H’Blươm Mlô mang thai vào tháng 9/2015, quá trình mang thai người mẹ được tiêm phòng đủ ba mũi vắc-xin ngừa bệnh uốn ván. Trong thời kỳ mang thai người mẹ không đi xa khỏi địa phương. Khi mang thai tháng thứ 3, người mẹ có biểu hiện sốt, ngứa toàn thân nhưng không đi điều trị, không uống thuốc. Khi thai nhi đến tháng thứ 6, người mẹ có sốt và tự mua thuốc uống tại nhà.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp trẻ bị bệnh đầu nhỏ, ngày 8/9/2016, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên lấy mẫu huyết thanh của cháu bé làm xét nghiệm, kết quả âm tính.
Ngày 12/10/2016, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu huyết thanh của cháu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus Zika.
Tiếp đó, ngày 21/10/2016, kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh của cháu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát hiện đồng thời kháng thể IgM kháng đặc hiệu virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika; kết quả xét nghiệm năm mẫu huyết thanh của những người cùng sống trong gia đình với cháu H’Lệ Mlô gồm bố, mẹ, bà ngoại, cậu và người con nuôi trong gia đình đều cho kết quả âm tính với virus Dengue.
Để xác định cháu bé bị bệnh đầu có liên quan đến virus Zika hay không, ngày 1/11/2016, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Trường Đại học Nagasaki tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm kiểm tra.
Tại buổi họp báo, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk khẳng định đến thời điểm hiện nay chưa khẳng định được cháu H’Lệ Mlô mắc bệnh đầu nhỏ là do virus Zika gây ra hay không.
Về hai trường hợp có triệu chứng đầu nhỏ là Giàng A Nh., bốn tuổi và Giàng Th., bảy tuổi, trú tại xã Ea Đá, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết: Với các kết quả xét nghiệm cho thấy hai cháu này bị bệnh đầu nhỏ không phải do virus Zika gây ra.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, ngay khi xác định được trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ liên quan đến virus Zika, sở đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác phòng chống dịch, điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế 15 huyện, thị xã, thành phố.
Nội dung tập huấn là phương pháp giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển mẫu, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống bệnh, nhất là với những người đi, về từ các quốc gia, các tỉnh có dịch bệnh.
Tỉnh đã thành lập 2 đội đáp ứng nhanh chống dịch do vi rút Zika, tích cực kiểm tra công tác phòng chống bệnh này trong toàn tỉnh.