Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
Hôm nay, ngày 16/3, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn được tổ chức tại Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu của phiên chất vấn là ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sát, đúng, đáp ứng được yêu cầu, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu hỏi ngắn, chất vấn đúng vấn đề, và có quyền phản biện, tranh luận nếu câu trả lời chưa được thỏa đáng.
Theo tờ trình của Chính phủ, khoản viện trợ 1.413,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan Trung ương thực nhận, nhưng chưa có dự toán được giao. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413,387 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý, không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện.
Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tuy nhiên, về thẩm quyền đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ nêu trên. Vì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.
Theo ông Nguyễn Phú Cường- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì 1.431,387 tỷ đồng là khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan Trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các bộ, cơ quan Trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch giữa Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của ngân sách Trung ương năm 2021.
Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, việc Bộ Y tế chậm phân bổ Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục, Bộ Tài chính cũng đề nghị sớm phân bổ nhưng năm 2021 Bộ Y tế mới nhận mà chưa phân bổ. Tới đây trách nhiệm của Bộ Y tế là phải công khai những nơi nào nhận tiền mặt bao nhiêu, hiện vật bao nhiêu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội, không phải khoá này mà từ trước vẫn thế và phải làm theo luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tách riêng vaccine ra khỏi nguồn viện trợ, đưa vào chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước và phải trả lời được không chỉ viện trợ không hoàn lại mà tất cả các khoản khác từ việc doanh nghiệp cho, không qua cơ chế COVAX không qua cơ chế viện trợ của Chính phủ. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thì phải có báo cáo đầy đủ. Do đó, hồ sơ này chưa đủ điều kiện xem xét và phải báo cáo cho đầy đủ hơn.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính chủ trì giúp Chính phủ rà soát lại để báo cáo Thường vụ Quốc hội từng khoản viện trợ, ai viện trợ? khoản nào cho ai? làm gì? đã chi và chưa chi phải chi tiết.
Riêng về vaccine, theo Chủ tịch Quốc hội, trong tháng 4 Kiểm toán sẽ có kết quả. Khoản này phải minh bạch, công khai, rõ ràng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền.