Chưa tăng thuế, phí

Nguyên Khánh 17/09/2017 07:10

Trước đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế của Bộ Tài chính, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chưa bàn đến tăng các loại thuế phí trong năm nay để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

5 luật thuế được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT - thuế VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế tài nguyên.

Giải thích vì sao phải sửa đổi 5 luật thuế này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mục tiêu là để cơ cấu lại thu, bảo đảm ngân sách nhà nước. Vì vậy, sửa đổi các luật trên cơ sở có tăng có giảm, sao cho ít tác động đến nhiều đối tượng lại đảm bảo cơ cấu thu chi.

Theo bà Mai, hiện luật thuế VAT quy định 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hóa chịu thuế 5%.Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hóa thiết yếu này.

Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực - thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh - buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp, 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp… đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.“Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo là không nhiều”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Dù đã được khẳng định “tăng thuế ít ảnh hưởng đến người thu nhập thấp” nhưng việc Bộ Tài chính có ý tưởng điều chỉnh tăng thuế VAT lần này khiến nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng lo lắng. Cụ thể,thuế suất VAT các mặt hàng, dịch vụ vốn chịu thuế 5% lên 6%; nhóm mặt hàng dịch vụ thuế 10% lên 12% chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân nếu cùng lúc VAT của các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu đều “nhảy” thuế.

Đầu tiên là nước sạch tăng từ 5% lên 12%, điện tăng từ 10% lên 12%; các loại rau, hoa quả hay chi phí thuốc chữa bệnh, dịch vụ vắc xin... tăng từ 5% lên 6%, thực phẩm đã chế biến như đồ uống, nước ngọt, quần áo, xăng, dầu, chi phí vận tải... đều tăng VAT từ 10% lên 12%. Như vậy, tất cả sẽ đổ lên đầu người dân trong khi mức giảm thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ chẳng thấm vào đâu bởi chưa chắc người có thu nhập trung bình đã được ở diện phải đóng thuế.

Sẽ chưa bàn đến chuyện tăng thuế, phí lúc này, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đạt tăng trưởng GDP 6,7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chưa tăng thuế, phí ngay năm 2017. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Bộ này cần tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.



Ông Lưu Bích Hồ.

TS LƯU BÍCH HỒ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Điều cần làm trước khi tăng thuế

Tôi đồng ý phải điều chỉnh tăng thuế trong thời điểm các thuế khác như thuế Xuất nhập khẩu giảm để cân đối ngân sách. Nhưng tăng thế nào, mức nào và làm sao ít ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhất là người thu nhập thấp, người nghèo.

Như với thuế VAT, hiện tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách của ta lại rất cao, gần28%. Trong khi các nước OECD, EU bình quân chỉ 20-21%, nhiều nước thấp hơn nhiều. Vậy, nếu tăng thuế suất, sẽ tăng tỷ lệ trong thu ngân sách bằng thuế VAT. Nhưng tăng đến mức nào trong khi giờ đã 28% vào loại cao nhất thế giới rồi. Anh phải tính chứ.Các nước có tỷ lệ thấp vì họ có nhiều thuế khác, nhất là thuế sản xuất rất hiệu quả. Ta thì sản xuất kinh doanh không hiệu quả, các khoản thuế thu về thấp quá. Làm thế nào để đẩy hiệu quả sản xuất lên chứ không phải tăng thuế tiêu dùng như ở ta.

Tất nhiên với doanh nghiệp loại thuế này như bộ Tài chính nói sẽ được hoàn thuế.Tuy nhiên, với kiểu hoàn thuế quá chậm chạp như ở ta thì buộc các doanh nghiệp phải tính các khoản này vào giá thành, giá bán, như vậy, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt mà chẳng được hoàn thuế.

Tăng thuế phải tính toàn diện, nhiều mặt, các mối tương quan nhất là tương quan với ngân sách, tiêu dùng của người dân. Phải phân tích tất cả các mặt như vậy để nhìn thấy chúng ta tăng đến mức nào, như thế nào là hợp lý. Anh tăng lên 1, 2% ảnh hưởng thế nào đến CPI, phải đánh giá tác động cho cẩn thận rồi trình ra thì mới có lý.

Bộ Tài chính nói rằng không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp là không chuẩn. Bởi, trong tổng hàng hóa tiêu dùng, tỉ lệ người ta thu nhập thấp dùng hàng thiết yếu là rất cao 60-70%, trong khi đó người giàu là 20-30%. Tăng thuế lên thì người nghèo đóng góp gấp đôi, ảnh hưởng gấp đôi, chứ không phải ảnh hưởng bằng 1 nửa như Bộ Tài chính nghĩ.

Tôi cho rằng ý kiến của Thủ tướng chưa tăng thuế là hợp lý. Nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn thu thì giảm đi sẽ xử lý thế nào? Không phải tăng thuế để cân bằng ngân sách bằng tăng thuế VAT, hay thuế tiêu dùng là chủ yếu. Điều chủ yếu để cân bằng được là ở phần chi chứ không phải tăng thu. Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng, thâm hụt ngân sách là do anh chi quá mức. Tốc độ chi lại cao hơn tốc độ tăng trưởng. Nghèo mà hoang.

Trong trường hợp này, phải siết lại chi chứ không phải tìm cách tăng thu. Do đó phải siết lại đầu tư công, giảm chi thường xuyên xuống không thể cao ngất ngưởng trên 72% như hiện nay. Đừng có tăng sắc thuế gì trong bối cảnh hiện nay mà Nhà nước phải lo cân đối việc chi hơn là thu của mình. Tình trạng chi tiêu đến mức khiến bội chi tăng cao, đặt vấn đề thu để mà chi là không ổn. Việc cần làm lúc này là giảm chi trước khi đề cập đến tăng thuế.


Ông Vũ Thành Tự Anh.

Chuyên gia kinh tế VŨ THÀNH TỰ ANH:
Tăng thuế VAT dễ làm người thu nhập thấp tổn thương

Tôi không đồng tình với lập luận của Bộ Tài chính rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn.Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song, do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập cao. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn.

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.

Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.



Ông Vũ Đình Ánh.

Chuyên gia kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH:
Tăng thuế VAT rất nhạy cảm

Tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để nhận xét đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có phù hợp hay không nhưng chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, đặc biệt là với sắc thuế có tầm ảnh hưởng rộng như VAT. Theo đó, lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết với doanh nghiệp, chống thất thu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng. Đặc biệt việc điều chỉnh thuế phải có đánh giá tác động theo từng nhóm đối tượng cũng như tác động tới ngân sách.

Với sắc thuế VAT thì phải “bám” theo chức năng của thuế VAT, điều chỉnh lại thuế thu nhập thì việc phân phối lại thu nhập cũng phải được giải thích rõ. Cùng với đó là phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh này tới các hộ gia đình, tới ngành nghề kinh doanh, cán cân thanh toán, thương mại và cả năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... Tiếp đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách và điều tiết kinh tế vĩ mô.

Thuế VAT nếu tăng từ 10% lên 12% sẽ “rất nhạy cảm” và việc đánh giá người thu nhập thấp có tác động hay không thì “không nói khơi khơi” mà phải có chứng minh xem tác động đó là bao nhiêu.Chúng ta cân nhắc tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, thậm chí sau năm 2018 có thể bàn đến chuyện tăng tiếp từ 12% lên 14%. Tuy nhiên, lựa chọn này rất nhạy cảm tác động lên nền kinh tế, chúng ta phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm tăng khi nào phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa tăng thuế, phí