Chùa Tây Phương vừa đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Quyết định công nhận Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn là Bảo vật quốc gia. Sinh thời, KTS Nguyễn Cao Luyện đánh giá, với những giá trị đặc sắc về nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng, Chùa Tây Phương là một viên ngọc như phản chiếu cả nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Góc chùa Tây Phương
Một công trình kiến trúc cổ độc đáo
Để đặt chân lên chùa Tây Phương, du khách phải leo 237 bậc đá ong khấp khểnh. Hai bên đường đi là những hàng tre xào xạc. Lác đác vài nếp nhà đơn sơ xây bằng đá ong của người dân gắn bó với vùng đất thiêng này.
Bước qua khoảng sân, là vào chùa Hạ đại diện của chữ Nhân, tiếp đến là chùa Trung - chữ Thiên, chùa Thượng - chữ Địa. Càng đến chùa, ngắm nghía, chiêm nghiệm nhiều lần càng thấy ở chùa có những nét đẹp tiềm ẩn cứ sáng dần lên theo thời gian.
KTS Nguyễn Cao Luyện nhận định chùa Tây Phương quy mô không lớn nhưng lớn về nghệ thuật. Các nghệ thuật: kiến trúc, hội họa, điêu khắc đã như “ba chị em” cùng “cất lên khúc hát đồng ca, hợp xướng” tạo nên cảnh chùa mà trong đó kiến trúc “gánh mọi việc nặng nhọc”.
Vì được thiết kế theo hình chữ Tam, nên ở giữa chùa Thượng – Trung – Hạ có hai sân thiên tỉnh (giếng giời) hẹp và dài xen giữa để lấy ánh sáng từ trên trời cao dọi xuống. Ánh sáng trời tỏa vào bên trong các ngôi chùa, “khắp chốn, khắp nơi, rất trong, rất đều”, “ đẹp vô ngần”, “trong thâm cung ánh sáng như càng tinh khiết sáng và yên tĩnh cũng lắng càng sâu”. Ánh sáng tỏa vào các tượng phật đến từng chi tiết, làm các pho tượng “lấp lánh vàng son”. Hai “thiên tỉnh” đã trở thành nét độc đáo của kiến trúc.
Mái đao chùa
Chùa Tây Phương có 8 mái. Nhìn lên mái chùa thấy tua tủa những mái đao cong vút như “cánh chim khổng lồ” đua nhau trên trời, trông rất đẹp. Nhìn từ phía ngoài mỗi toà có hai tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút. Sẽ không mất nhiều thời gian để khám phá, nhưng bạn sẽ có rất nhiều thú vị khi tìm hiểu về kiến trúc của chùa. Khác với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, tòa giữa (chùa Trung) của chùa Tây Phương hẹp nhưng cao hơn toà Thượng và Hạ. Mỗi nếp có 2 tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một cảm giác thô sơ mộc mạc, điểm những của sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của 3 toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm.
Cột chùa kê trên những tảng đá chạm hình cánh sen. Bên đốc chùa có những ô cửa “sắc sắc không không” độc đáo. Điều đáng quý nứa, ở chùa Tây Phương còn tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng...
Theo một số tài liệu để lại thì chùa Tây Phương xây từ thế kỷ thứ 8, là ngôi chùa cổ thứ hai, sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Năm Giáp Dần (1554), thời Lê Trang Tông ngôi chùa tiếp tục có cuộc tôn tạo lớn. Sau đó, chùa Tây Phương bị phá đi, xây mới và dựng thêm tam quan. Chùa Tây Phương còn đến nay đã được xây lại trên nền chùa cũ, đúc thêm chuông vào khoảng 1788-1789 dưới triều Tây Sơn, và gắn chữ “Tây Phương cổ tự” từ đó. Hiện trong chùa còn chuông đồng đúc năm Bính Thìn 1796, năm Cảnh Thịnh thứ 4 và bài Minh do Phan Huy Ích soạn khắc vào chuông năm Mậu Ngọ (Cảnh Thịnh thứ 6). |
Hệ thống tượng đẹp “vô song”
Chùa Tây Phương có 72 pho tượng cùng với các bức phù điêu chạm khắc công phu, tinh sảo. Các tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng này đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.
Đáng chú ý nhất là bộ tượng tròn gồm 64 pho, mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Tây Phương là nơi hội ngộ của các “phật sống” tọa thiền với tất cả nét độc đáo trong tâm tư và hình thái của mỗi vị.
Hơn thế nữa, các chi tiết trang trí bên trong và bên ngoài chùa còn thể hiện quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt cổ, mang đậm nét văn hóa nền văn minh lúa nước. Nhân dân địa phương ngày nay vẫn quan niệm chùa được tạo tác theo dáng dấp kiểu “thượng sơn lưu đài - hạ sơn lưu thủy”, hình ảnh của công trình chùa chính thấp thoáng trong những tán lá cây lưu niên trên đỉnh núi Câu Lậu đã thực sự tạo nên khung cảnh “Tây Phương cực lạc” nơi trần thế.
Nói đến chùa Tây Phương không thể bỏ qua hệ thống tượng phong phú và độc đáo vào bậc nhất, đặc biệt là 18 vị La Hán đặt ở chùa Thượng. Chính vì thế, ngày từ năm 1960 khi đến thăm chùa Tây Phương nhà thơ Huy Cận đã đưa những bức tượng này vào bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương”: “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/ Một câu hỏi lớn. Không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...”
Sự kiện Chùa Tây Phương trở thành Di tích quốc gia đặc biệt và Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều ấy khẳng định giá trị “vô song” của chùa Tây Phương cũng như những pho tượng Phật ở nơi này. Đồng thời, như Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên nói, đây là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những nhiệm vụ lớn hơn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.