Nhằm xóa sổ các “điểm đen” về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, có một thực trạng là cứ xoá điểm này thì điểm khác lại xuất hiện. Do đó, việc xử lý sao cho đỡ tốn kém nhất mà vẫn phù hợp với thực tế là vấn đề đặt ra.
Mới đây, UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo hạ tầng và tổ chức lại giao thông tại các vị trí đường thành phố quản lý giao cắt với đường huyện, đường xã và bổ sung vạch sơn, biển báo cho người đi bộ trên địa bàn nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng mất an toàn giao thông. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến trong năm 2020-2021.
Trước đó, theo Sở GTVT Hà Nội, trong hơn 4 năm qua, thành phố đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo 17 vị trí nút giao thông, cải tạo chỉnh trang 6 tuyến đường, hoàn thành 7 công trình với tổng kinh phí hơn 231 tỉ đồng. Đồng thời, từ năm 2015 đến nay đã mở mới 33 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội lên 124 tuyến, tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thủ đô.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố đang giảm dần qua các năm. Đến cuối năm 2015, Hà Nội có 44 điểm ùn tắc giao thông thì năm 2016 còn 41 điểm (xử lý được 20 điểm, phát sinh mới 17 điểm). Năm 2017 còn 37 điểm ùn tắc (xử lý được 17 điểm, phát sinh mới 13 điểm). Năm 2020, liên ngành GTVT – Công an Hà Nội thống kê, trên địa bàn thành phố hiện còn 33 điểm ùn tắc và 12 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Trong số này năm 2019, liên ngành đã khắc phục được 10 điểm đen ùn tắc, tuy nhiên cũng trong năm 2019, trên địa bàn thành phố lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới.
Như vậy, dù chi phí không ít nhưng các điểm ùn tắc, điểm đen giao thông vẫn di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia và chưa hiệu quả.