Văn hóa

Chuẩn bị du lịch mùa Tết

Minh Quân 13/12/2023 07:46

Kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán luôn được xem là thời điểm sôi động của thị trường du lịch Việt Nam. Các công ty lữ hành, điểm đến đã xây dựng hàng loạt sự kiện, tour nhằm thu hút khách du lịch.

anh-1-bai-tren.jpg
Các tour gắn với di tích thu hút khách du xuân. Ảnh: Quang Vinh.

Có thể kể đến, các tour Việt kiều về quê ăn Tết, dành cho du khách quốc tế với nhiều hành trình trải nghiệm hấp dẫn như liên tuyến các tỉnh Đông, Tây Bắc; du lịch biển miền Trung, miền Nam… Hay Công ty Lữ hành Saigontourist với chương trình “Đi tour trước Tết, rước Xuân về nhà” tại làng hoa Sa Đéc - vườn quýt Lai Vung hay Mỹ Tho - Thới Sơn; chùm tour “Tây ăn Tết ta” khám phá không khí cận tết ở Mỹ Tho... Đây cũng là các tour hàng năm được nhiều khách quốc tế, Việt kiều lẫn người Việt yêu thích. Không chỉ hướng tới nguồn khách quốc tế, dịp Tết năm nay do có kỳ nghỉ dài, thị trường trong nước cũng tạo nên nhiều điểm nhấn khi các tour đi miền Tây Bắc, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết... với những ghi nhận từ các công ty lữ hành khi lượng khách tham khảo tour tăng đáng kể. Cũng theo một số doanh nghiệp lữ hành, du lịch Tết năm nay được dự đoán sẽ có tình trạng quá tải ở những điểm đến gần TPHCM, trong đó các điểm nóng như Phan Thiết, Nha Trang hay Vũng Tàu... có thể quá tải. Các địa phương này cần có kịch bản cũng như sự chuẩn bị để không xảy ra tình trạng tương tự Đà Lạt như Tết hai năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, với thị trường du lịch Tết năm nay để thu hút du khách, các công ty lữ hành đã đưa những sản phẩm phù hợp với thị trường. Nét mới của tour Tết năm nay không còn xu hướng tour giá rẻ mà là ưu tiên chọn tour chất lượng. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, giá tour du lịch là một trong những tiêu chí được khách hàng cân nhắc khi lựa chọn. Vì vậy, các công ty du lịch đã nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị cùng bắt tay giữ giá ổn định cho khách hàng.

Đánh giá về xu hướng thị trường Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist cho biết, du khách chọn tour trọn gói theo các tuyến xa nhiều hơn, kể cả trong và ngoài nước. Đối với những điểm đến cự ly ngắn, đặc biệt là các tuyến có đường cao tốc thuận tiện trong phạm vi 300 km trở lại sẽ thu hút dòng khách du lịch tự túc và đặt dịch vụ nhiều hơn so với tour trọn gói. Giá vé tất cả phương tiện đều có xu hướng tăng so với nhu cầu quá lớn, vì vậy giá tour năm nay tăng tối thiểu từ 15% so với cùng kỳ.

anh-2-bai-tren.jpg
Du lịch vùng núi Tây Bắc là lựa chọn của nhiều du khách.

Với đà tăng trưởng của du lịch Việt Nam thời kỳ hậu Covid, dịp nghỉ Tết sắp tới đang được dự báo sẽ là một mùa bội thu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế toàn cầu, thặt chặt chi tiêu cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho các công ty lữ hành. Đơn cử như vé máy bay tăng cao đang khiến nhiều du khách phải đắn đo.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương cho rằng, sự phối hợp giữa hàng không và du lịch còn nhiều bất cập vẫn “mạnh ai nấy làm”. Hai ngành nên đặt mình vào vị trí của du khách chứ đừng chỉ đặt mình vào vị trí của người cung cấp sản phẩm để có cái nhìn đầy đủ hơn. Hàng không và du lịch cần ngồi lại với nhau, đặc biệt là có sự tham gia của Chính phủ. Vì lợi ích chung của nền kinh tế đất nước, Chính phủ vào cuộc với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá thấp so với giá sàn hoặc có thể bù lỗ.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, họ “mắc kẹt” dòng tiền khi chuyến bay bất ngờ hủy ngang của hãng bay hay nhiều hợp đồng với các khách hàng doanh nghiệp vẫn chưa được quyết toán dù chương trình tour và sự kiện đã xong từ lâu. Doanh nghiệp du lịch là ngành chi trước thu sau nên chỉ cần khách hàng ngâm công nợ vài tháng là xem như mất thanh khoản. Kinh tế khó khăn, nếu bung sức làm càng lớn thì rủi ro càng cao.

Tuy nhiên, không chỉ câu chuyện về kinh tế, với các kỳ nghỉ dài ngày việc lựa chọn đi du lịch cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhiều du khách bởi tình trạng quá tải, từ “trải nghiệm” thành cực hình… Thực tế, thời gian qua ngành du lịch nổi lên một số câu chuyện như tình trạng khách quá đông ở dồn về địa phương gây ùn tắc giao thông, khách cắm trại, ngủ lều vì khách sạn, nhà nghỉ giá quá cao, cơ sở vật chất xuống cấp, phục vụ chưa tốt. Nguyên nhân của tình trạng trên được lý giải là do nhiều cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đóng cửa lâu, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí hoặc chưa kịp cải tạo, nâng cấp. Một lượng lớn nhân sự ngành du lịch từ hướng dẫn viên, tới lễ tân, phục vụ, buồng phòng đã thay đổi ngành nghề dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự để phục vụ khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị du lịch mùa Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO