Dù phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của Hà Nội vẫn chưa được quyết định nhưng việc dạy và học, ôn thi cuối cấp của học sinh khối 9 vẫn diễn ra thông suốt, ổn định với sự đồng hành của giáo viên và nhà trường.
Chú ý các điểm mới
Thời điểm này, các nhà trường, phụ huynh, học sinh lớp 9 mong ngóng phương án thi sớm được công bố để có kế hoạch học tập. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, Bộ đưa ra phương án xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh. Nếu học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, phương án đưa ra lấy ý kiến của các nhà trường, Sở GDĐT là tổ chức thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba do Sở tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Như vậy, các môn còn lại cụ thể là: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học), Lịch sử - Địa lý, Tin học, Công nghệ… Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018. Trước đây, đa số tỉnh, thành phố tổ chức kỳ thi tuyển sinh này với 3 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, chương trình mới có thể có những thay đổi đáng kể.
Tại Hà Nội, dù số lượng môn thi của kỳ thi chưa được công bố, song Sở đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn để giáo viên và học sinh có định hướng ôn tập từ sớm. Trong số 7 môn này, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là toán và ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút/môn; 5 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/môn.
Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).
Cùng thí sinh vượt vũ môn
Ngay sau khai giảng, Sở GDĐT Hà Nội cùng phòng GDĐT các đơn vị đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 9 tại các nhà trường để triển khai kế hoạch giảng dạy, ôn tập theo đúng định hướng, đặc biệt là việc xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá bám sát chương trình học. Trong đó, Sở GDĐT Hà Nội khuyến khích các Phòng GDĐT, nhà trường xây dựng đề minh họa dùng chung để chia sẻ cho nhau trong quá trình ôn tập, kiểm tra, đánh giá. Đề minh hoạ có thể xây dựng theo lộ trình năm học và chia nhỏ từng giai đoạn ngắn (theo từng tháng hoặc từng học kỳ) để bám sát các nội dung cơ bản của từng môn học.
Cô giáo Trần Thanh Mai - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, từ cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT do Sở GDĐT Hà Nội công bố, cô và các đồng nghiệp đang nỗ lực cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, đề kiểm tra, đánh giá phù hợp. Qua đó nhằm giúp học sinh đáp ứng tốt với yêu cầu của chương trình mới là hình thành phẩm chất, năng lực; trong đó quan tâm nhất đến việc đề kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn sẽ sử dụng các văn bản, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Một lưu ý nữa đó là vì ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, nên việc dạy học cần bám sát chương trình thay vì sách giáo khoa như trước đây. Học sinh ngoài việc tập trung học trên lớp, thực hiện nghiêm túc những bài tập vận dụng, cần tìm đọc thêm những tác phẩm văn học, bài viết trên sách báo, tạp chí... trên giấy và trên mạng internet có cùng thể loại, tương tự về đề tài - chủ đề với những văn bản được học trong sách giáo khoa, phù hợp với lứa tuổi, nguồn tham khảo tin cậy... để rèn kỹ năng tự đọc.
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, phòng sẽ đồng hành cùng các nhà trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn; thông tin kịp thời đến phụ huynh, học sinh những điểm mới của kỳ thi... Đặc biệt, quan tâm đến những đổi mới trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm giúp học sinh đạt được năng lực, phẩm chất mà chương trình mới yêu cầu.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, Sở đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, trình UBND thành phố để công bố trong thời gian sớm nhất. Thời gian này, các các phòng GDĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tổ chức cho học sinh tập duyệt kỹ; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra nhằm tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.
Lưu ý thêm với môn Ngữ văn, ông Cương nhấn mạnh trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các nhà trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ. Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.