Các thống kê đều đã chỉ ra rằng, số lượng ca phẫu thuật tại các bệnh viện trên cả nước đều đang tăng theo từng năm. Đơn cử tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi năm có tới hơn 30.000 ca phẫu thuật. Để bước vào cuộc mổ với thể chất và tinh thần cao nhất, việc chuẩn bị trước khi phẫu thuật là cực kỳ quan trọng.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Lý - Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, việc bệnh nhân có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật góp phần hạn chế tối đa những rủi ro. Các biện pháp chuẩn bị có thể bắt đầu từ trước khi cuộc mổ diễn ra khoảng 1 tuần. Người bệnh cần được chuẩn bị rất tốt về chế độ dinh dưỡng trước khi mổ. Chế độ ăn nên giàu chất đạm, giàu dinh dưỡng và vitamin và các loại thức ăn phù hợp. Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường cần chọn chế độ ăn nhằm giảm glucose trong máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tập các liệu pháp hô hấp như hít sâu, thở chậm và ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
BS Nguyễn Thị Minh Lý cảnh báo, người bệnh nên dừng hút thuốc lá trước khi phẫu thuật càng lâu càng tốt, ít nhất là 3 tuần trước mổ. Bởi người nghiện thuốc thường gặp các vấn đề về hô hấp trong hoặc sau khi phẫu thuật, tăng nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi sau mổ. Đồng thời, cần tránh uống rượu bia để không mắc nguy cơ chảy máu, giảm đáp ứng miễn dịch.
Tại thời điểm tới bệnh viện để chuẩn bị mổ, BS Nguyễn Văn Kiên - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, người bệnh nên đi cùng với người thân/ người giám hộ để hỗ trợ người bệnh khi cần (đảm bảo an toàn cũng như lý do pháp lý). Bất kỳ thay đổi nào về tình trạng chung của cơ thể, người bệnh/ người nhà người bệnh cần phải báo ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng thăm khám khi vào viện.
“Một số loại thuốc đặc biệt người bệnh đang sử dụng như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, thuốc đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… người bệnh phải báo với bác sĩ điều trị để có hướng dẫn cụ thể. Một số thuốc có thể vẫn tiếp tục sử dụng, một số phải ngừng. Nếu người bệnh sốt/ cảm lạnh, đến kỳ kinh nguyệt hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác trước phẫu thuật 1 ngày cần báo ngay cho bác sĩ điều trị” - BS Kiên nhấn mạnh.
Người bệnh cũng cần cung cấp các thông tin chính xác nhất là tiền sử dị ứng, sốc phản vệ, hen suyễn hoặc tiền sử gây mê, phẫu thuật cũng như bệnh lý nền, các thuốc đang sử dụng.
Cũng theo BS Kiên, tùy từng chuyên khoa và từng trường hợp người bệnh cụ thể mà bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê sẽ cho chỉ định người bệnh nhịn ăn, uống trước mổ vào thời điểm nào.
Nhịn ăn uống giúp phòng ngừa việc hít các vật thể lạ, chất nôn vào đường thở gây sặc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật là rất quan trọng. Nếu người bệnh mới ăn uống và phải phẫu thuật cấp cứu thì bác sĩ gây mê sẽ đánh giá nguy cơ hít các vật thể lạ khi gây mê.
Kể cả trong trường hợp bệnh nhân được gây tê vùng thì việc tuân thủ các hướng dẫn nhịn ăn uống cũng rất quan trọng vì người bệnh có thể sẽ phải cấp cứu hoặc chuyển gây mê toàn thân. Cần từ 6 - 8 giờ sau ăn để dạ dày ở trạng thái trống, an toàn cho việc gây mê, tránh nguy cơ thức ăn và dịch từ dạ dày có thể vào phổi nếu dạ dày vẫn còn thức ăn hoặc nhiều dịch. Do đó người bệnh cần kết thúc bữa ăn cuối trước khi lên phòng mổ khoảng 8 tiếng. Sữa, súp loãng cần kết thúc trước 6 giờ.
Người bệnh có thể được uống nước giàu Carbonhydrat nhiều lần trong đêm (nhỏ hơn 200ml) kết thúc 2 giờ trước khi được gây mê và phẫu thuật. Trẻ em cho bú sữa mẹ trước 4 giờ.
“Đặc biệt, một số vitamin và thảo dược như nhân sâm, tỏi, Ginkgo biloba..., có thể gây biến chứng chảy máu trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh cần phải trao đổi với bác sĩ về các loại sản phẩm bổ sung đang sử dụng” - chuyên gia y tế cảnh báo.
Sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh được đưa đến phòng hồi tỉnh để theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi cho đến khi người bệnh tỉnh lại (nếu có gây mê) hoặc 2 chân cử động được (nếu gây tê tủy sống). Khi người bệnh ổn định, phục hồi hoàn toàn về ý thức, chức năng vận động, cảm giác, phản xạ… nhân viên khu hồi tỉnh sẽ liên hệ chuyển người bệnh về phòng bệnh.
BS Nguyễn Thị Minh Lý khuyến cáo, bệnh nhân hãy báo cho điều dưỡng hay bác sĩ nếu thấy có những triệu chứng đau nhiều, đi tiểu khó hoặc thấy đau khi tiểu, đau khi hít vào hoặc thở ra, đau ở vết mổ, buồn nôn ói mửa (do ảnh hưởng thông thường của thuốc mê) hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.