Hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) của Việt Nam còn khá chậm chạp, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường lao động.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN), cho đến nay Việt Nam mới phát triển được 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, 42 trung tâm đánh giá KNNQG, và mới chỉ đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho gần 50 nghìn người.
Chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cần được cập nhật kịp thời. Ảnh: Mạnh Dũng.
Còn nhiều hạn chế
Nhận định những tác động tích cực về phát triển kỹ năng nghề trong giai đoạn 2012 -2013, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - TCGDNN cho hay, hệ thống văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG được xây dựng và dần hoàn thiện, cụ thể: Bổ sung nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG vào Luật Việc làm năm 2013; xây dựng và ban hành Nghị định 31/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, ban hành văn bản quy định cấp và quản lý chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia...
Kết quả của việc thực hiện hệ thống văn bản này là xây dựng và ban hành 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, 84 bộ ngân hàng câu hỏi thi; cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 41 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 1.020 đánh giá viên, đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động ở 28 nghề.
Tuy nhiên, hiện hệ thống đánh giá đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG còn một số hạn chế như: Người lao động được cấp chứng chỉ KNNQG chưa được doanh nghiệp, người sử dụng lao động công nhận trong tuyển dụng và bố trí vị trí việc làm với lương tương xứng, chưa có phần mềm quản lý và điều hành hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG, chưa có cơ chế ràng buộc và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, các bộ tiêu chuẩn KNNQG chậm được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu, việc phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế, doanh nghiệp và người lao động chưa quan tâm đến chứng chỉ KNNQG, hệ thống đánh giá KNNQG quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực... Để khắc phục những hạn chế này, cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ thực hiện dự án đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở những nội dung chưa làm được, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quản lý và triển khai hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG…
Gắn kết với yêu cầu của nhà tuyển dụng
Hiện nay Việt Nam mới chỉ quy định danh mục một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bắt buộc phải có chứng chỉ KNNQG mới được hành nghề như lĩnh vực khai thác mỏ, làm việc trên cao, điện, khí…Do vậy, việc cấp chứng chỉ KNNQG cho gần 50 nghìn người là con số còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường lao động trong nước bao gồm khoảng 56 triệu người.
Tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, thành tích của Việt Nam là khá cao với nhiều lần dẫn đầu, nhưng ở “sân chơi” lớn hơn là kỳ thi tay nghề thế giới, đến nay Việt Nam mới chỉ đạt được 2 huy chương Đồng tại 2 kỳ thi gần đây nhất.
Điều dễ nhận thấy là công tác thi tay nghề nói chung và thi tay nghề thế giới nói riêng còn khó khăn như nguồn chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế, chủ yếu đến từ các trường ĐH và cơ sở GDNN, trình độ thí sinh còn hạn chế về năng lực, thể lực, ngoại ngữ, khả năng thích ứng, tính kỷ luật, sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội còn ít chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước...
Trong khi những công nghệ sản xuất liên tục thay đổi thì việc bổ sung, cập nhật các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề hiện còn chậm, do thiếu nguồn lực tương xứng. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải dự báo được những kỹ năng tương lai, muốn làm được điều này phải kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, bởi chính doanh nghiệp sẽ là điểm đầu tiên yêu cầu những kỹ năng mới, ngành nghề mới cho các vị trí việc làm.
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chia sẻ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ. Do đó, chúng ta phải tăng cường củng cố khung trình độ KNNQG theo hướng khoa học công nghệ đang phát triển, tương ứng với trình độ lao động khu vực và quốc tế.
Phát triển mạnh mẽ việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, đồng thời tăng cường hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Song song với đó là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định pháp luật, nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa cơ cấu lực lượng lao động, làm cơ sở phát triển hệ thống GDNN theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới.