Sau một thời gian áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, cho đến thời điểm hiện tại chuẩn nghèo cũ đã không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo về chuẩn nghèo cho giai đoạn mới (2016- 2020) để tiếp cận nghèo đa chiều, giúp người dân được thụ hưởng, tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ xã hội. Dẫu vậy, mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn đang là một thách thức lớn. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo – Bộ
Chuẩn nghèo mới sẽ giúp người dân được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội.
PV: Thưa ông, được biết Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020, chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Từ thực tế thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo thời gian qua, theo ông, phương pháp tiếp cận mới sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững?
Ông Ngô Trường Thi: Chuẩn nghèo thu nhập hiện hành được xác định dựa trên phương pháp tính toán chi phí cho các nhu cầu tối thiểu của con người (đo bằng chỉ tiêu cho lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sinh hoạt bình thường của con người, khoảng 2.100 Kcal/người/ngày và nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm).
Đây là một trong các phương pháp tính chuẩn nghèo thu nhập được các tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng cho các nước đang phát triển, cũng là phương pháp ở nước ta đã áp dụng từ trước đến nay.
Với chuẩn nghèo được ban hành trong giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ trên 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011); 9,7% (năm 2012); 7,8% (năm 2013); 5,97% (năm 2014) và dự kiến còn khoảng 4-4,2% vào cuối năm 2015, bình quân cả nước giảm 2%/năm, đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, việc áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã dẫn đến sự phân loại đối tượng, đánh giá mức độ và nguyên nhân nghèo đói chưa thực sự chính xác vì chuẩn nghèo hiện hành chưa phản ánh được đầy đủ các nhu cầu cơ bản cũng như thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, lại được duy trì trong cả giai đoạn trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm đều tăng, dẫn đến giá trị chuẩn nghèo không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân.
Đồng thời, các chính sách giảm nghèo được xây dựng dựa trên tiêu chí thu nhập chủ yếu nhằm xử lý vấn đề thiếu tiền và khả năng chi trả dịch vụ, do vậy chưa thực sự tác động đến các nguyên nhân khác của nghèo đói như vấn đề khó tiếp cận dịch vụ, dịch vụ không có sẵn hoặc không phù hợp, thiếu nhận thức và chủ động từ phía người dân.
Phương pháp đo lường nghèo đa chiều được nghiên cứu, áp dụng sẽ khắc phục những hạn chế nói trên của phương pháp đo lường nghèo bằng thu nhập. Đặc biệt bối cảnh cơ cấu kinh tế - xã hội thay đổi, đô thị hóa và di cư tăng nhanh hiện nay đang tạo ra một bộ phận lớn người dân thuộc nhóm cận nghèo thu nhập hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịnh vụ xã hội cơ bản, đang đối mặt với nhiều rủi ro khiến họ có thể rơi vào tình trạng nghèo đói.
Theo ghi nhận từ thực tế, việc lồng ghép các chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135… hiện vẫn còn những bất cập. Thưa ông, làm thế nào để giảm nghèo đi vào thực chất, chứ không phải là những con số báo cáo đẹp?
- Xuất phát từ thực tế, Chính phủ đã ban hành một số chương trình mang tính mục tiêu để giải quyết những vấn đề lớn mang tính quốc gia như: chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135…; qua thực hiện các chương trình đã phát huy được hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, do mỗi chương trình đều có mục tiêu, đối tượng cụ thể, nhưng lại thực hiện trên cùng địa bàn, vì vậy cần thiết phải tổ chức lồng ghép trong thực hiện để tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa bàn nghèo, việc lồng ghép cụ thể do các địa phương quyết định phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ đã thống nhất sẽ chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đó là chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa bàn thực hiện chủ yếu ở địa bàn nông thôn, vì vậy không tránh khỏi sự trùng lắp về địa bàn và nội dung đầu tư. Tuy nhiên với quan điểm ưu tiên đầu tư hơn nữa cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với cách thiết kế như trên sẽ tạo điều kiện để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực trọng điểm này, cùng với việc hỗ trợ tạo sinh kế nhằm chuyển biến nhanh hơn đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy nanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các xã khó khăn nhất cả nước. Thực hiện Luật đầu tư công, Chính phủ sẽ giao vốn trung hạn 5 năm để các địa phương chủ động tổ chức lồng ghép, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, bố trí vốn phù hợp để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, nhiều chính sách cho vay vốn mới đây đã được bổ sung. Đơn cử như chính sách cho vay với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo hiện nay?
- Tín dụng ưu đãi là một chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thực tế thời gian qua cho thấy, đây là một trong các giải pháp trụ cột giúp hộ nghèo tạo sinh kế để thoát nghèo. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng hơn trong thực hiện chính sách, nhất là trong bối cảnh chuẩn nghèo còn thấp, ranh giới giữa hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo còn mong manh, việc ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi áp dụng với các nhóm đối tượng là cần thiết.
Chúng ta đã có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện lại có chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo, theo tôi đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách, hạn chế tình trạng không muốn thoát nghèo thời gian qua, cũng như giảm tải một phấn sự bao cấp của nhà nước, tạo tính chủ động vươn lên của chính người nghèo.
Thực tế cũng cho thấy, nguy cơ tái nghèo với những hộ thoát nghèo vẫn còn cao. Do đó, mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức không nhỏ? Theo ông, đâu là nguyên nhân chính, giải pháp khắc phục phải tập trung vào hướng nào?
- Nghèo đói là vấn đề kinh tế xã hội sâu sắc, lại đang được thực hiện trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, do đó cũng ít nhiều bị chi phối bởi quy luật thị trường.
Nguyên nhân tái nghèo, phát sinh nghèo có cả khách quan, chủ quan, đó là: Chuẩn nghèo chưa phản ảnh đúng giá trị thực tế, vì vậy nhiều trường hợp thực chất mới chỉ coi là “thoát chuẩn nghèo” chứ chưa phải thoát nghèo, chỉ cần có những rủi ro trong cuộc sống sẽ lại rơi xuống hộ nghèo; vì vậy chuẩn nghèo giai đoạn tới cần được xây dựng tiến tới chuẩn mức sống tối thiểu, đồng thời cần nhìn nhận những thiếu hụt các nhu cầu cơ bản để từng bước giải quyết; việc tách hộ gia đình là một xu hướng khách quan, nhưng đồng thời cũng làm phát sinh hộ nghèo mới; vấn đề đặt ra là không để xu hướng này trở thành tình trạng lợi dụng chính sách, vì vậy cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như công tác quản lý trong giảm nghèo. Thiên tai, lũ lụt cũng là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tái nghèo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Vì vậy chủ động đề ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là hạn chế tình trạng tái nghèo. Ngoài ra, hiệu quả thực hiện các chính sách thấp, chính sách còn chồng chéo, tản mát, mang tính bao cấp cũng dẫn đến tư tưởng không muốn thoát nghèo của một bộ phân người nghèo.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đang chỉ đạo sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính hiệu quả hơn, hạn chế chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện, có hoàn trả; tăng cường và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở và cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!