Giới chuyên gia nhận định thị trường có thể giữ nhịp tăng trong thời gian tới nhưng diễn biến sẽ có phần thận trọng hơn.
VN-Index đã có tới 6 tuần tăng liên tiếp và giữ vững mốc 900 điểm sau khi chinh phục được mốc này vào phiên 3/9.
Giới phân tích cho rằng phiên cuối tuần qua các chỉ số có điều chỉnh nhẹ, nhưng xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị ảnh hưởng, tuy nhiên rủi ro điều chỉnh trong những phiên tới vẫn là khá đáng kể.
Cổ phiếu ở vùng quá mua?
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, nhịp tăng 5 phiên liên tiếp của thị trường bị chắn ngang dưới áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới, khiến thị trường điều chỉnh giảm trở lại phiên cuối tuần qua.
Tuy vậy, mức giảm phiên cuối tuần qua là rất nhẹ so với các thị trường trong khu vực, thậm chí gần như toàn bộ thời gian giao dịch là nỗ lực ngược dòng của thị trường sau khi giảm gần 10 điểm ở phiên mở cửa phiên.
Những dấu hiệu này cho thấy thị trường tương đối "khỏe" dù đã tăng 8/10 phiên gần đây.
MBS cho rằng phiên điều chỉnh tương đối nhẹ ở vùng đỉnh tháng 6 (tương ứng với ngưỡng 905 điểm) chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường, tuy vậy nhà đầu tư nên ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin (vay giao dịch ký quỹ), không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng.
Có góc nhìn khá tương đồng về diễn biến thị trường trong tuần tới, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC nhận định VN-Index điều chỉnh nhẹ sau nhiều phiên tăng điểm, tuy nhiên nhìn chung xu hướng ngắn hạn vẫn còn tích cực.
Thị trường có thể giữ nhịp tăng trong thời gian tới nhưng diễn biến sẽ có phần thận trọng hơn.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời vẫn có thể giữ ổn định danh mục nhưng cần có sự thận trọng và chờ dấu hiệu kháng cự cụ thể của thị trường.
Nhận định tích cực về diễn biến thị trường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam-VCBS cho rằng, VN-Index tăng trên 2,5% trong tuần qua và vượt 900 điểm cho thấy tâm lý khá lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
VCBS nhận thấy rằng tình hình vĩ mô trong nước vẫn tương đối ổn định và Việt Nam là điểm sáng trong khu vực ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó công ty chứng khoán này vẫn đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đối tích cực trong giai đoạn cuối năm nay.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng rủi ro điều chỉnh trong những phiên tới vẫn là khá đáng kể, dù chỉ số khó có khả năng đánh mất ngưỡng hỗ trợ 880 điểm ngay trong tuần sau.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư, cụ thể là cần kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo vệ thành quả và tạm thời nên dừng giải ngân mới để quan sát thêm diễn biến trên thị trường trong quá trình VN-Index kiểm định lại ngưỡng 900 điểm trong những phiên tới.
Theo ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC, chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tuần tới.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lưu ý rằng nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã bước vào trạng thái quá mua nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh đan xen trong quá trình tăng điểm,” ông Bách cho biết.
Theo ông Bách, diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể luân phiên tăng điểm để hỗ trợ đà đi lên của thị trường. Dòng tiền sẽ để ý nhiều hơn đến các nhóm ngành chưa tăng nhiều trong thời gian qua như chứng khoán, bán lẻ, dầu khí…
Ngoài ra, cổ phiếu thuộc các ngành được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mô vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư khi điều chỉnh về các vùng giá hợp lý.
Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định trong ngắn hạn VN-Index dưới ảnh hưởng tích cực của VN30 đã đi vào vùng quá mua, do đó dòng tiền suy yếu ở nhiều mã thể hiện qua khối lượng giao dịch giảm. Nhiều mã chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn sau thời gian dài tăng điểm trong 6 tuần liên tiếp.
SHS dự báo trong tuần tiếp theo (từ 7-11/9) chỉ số VN-INDEX sẽ tiếp tục rung lắc tích lũy, phân hóa trong vùng 900-905 và dần tạo đỉnh ngắn hạn ở nhiều mã.
Vì vậy, SHS khuyến nghị nhà đầu tư cần tiếp tục đánh giá, rà soát lại danh mục cổ phiếu đầu tư nếu có; xem xét cơ cấu danh mục, hạ tỷ trọng các mã yếu kém, thực hiện hóa lợi nhuận và chốt NAV (giá trị tài sản ròng) quý 3 riêng lẻ từng mã khi VN-INDEX tiếp tục tăng điểm trong tuần tiếp theo.
Thực tế, tuần qua là tuần thứ 6 liên tiếp tăng điểm của chỉ số VN-Index. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ qua, VN-Index tăng 22,56 điểm (2,57%) lên 901,54 điểm; HN-Index tăng 0,31 điểm (0,25%) lên 126,15 điểm.
Theo SHS, thanh khoản trung bình giảm nhẹ so với tuần trước đó, khoảng 6.936 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Do chỉ giao dịch 4 ngày trong tuần vì thị trường tạm nghỉ giao dịch vào ngày 2/9 nên giá trị giao dịch trên HOSE giảm 21,2% xuống 24.893 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25% xuống 1.347 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,8% xuống 2.852 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 30% xuống 227 triệu cổ phiếu.
SHS cho biết với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng.
Nhóm cổ phiếu dịch tiêu dùng tăng mạnh nhất với mức tăng 10,1% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như MWG tăng 1,4%, VJC (7,0%), HVN (6,3%), DGW (1,8%)...
Nhóm cổ phiếu tài chính tăng 6,7% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu như với các cổ phiếu tiêu biểu như SSI tăng 2,0%, HCM (3,4%), VIC (4,6%), VHM (1,8%), BVH (6,8%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 4% giá trị. Các mã tiêu biểu như VCB tăng 1,8%, CTG (3,6%), BID (3,8%), TCB (1,2%), HDB (5,3%)...
Các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin tăng 4,1% giá trị vốn hóa; hàng tiêu dùng (3,9%), công nghiệp (2,9%) và tiện ích cộng đồng (2,5%).
So với các thị trường chứng khoán trên thế giới, những diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua là rất tích cực.
Chứng khoán thế giới giảm sâu
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite tuần qua giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 159,42 điểm, hay 0,6% xuống 28.133,31 điểm, sau khi giảm 628 điểm xuống mức thấp trong phiên.
Chỉ số S&P 500 giảm 28,1 điểm, hay 0,8% xuống 3.426,96 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 144,97 điểm, hay 1,3% xuống 11.313,13 điểm.
Trước đó, chốt phiên 3/9, chỉ số Dow Jones mất 807,77 điểm, hay 2,8%, xuống 28.292,73 điểm, sau khi giảm hơn 1.000 điểm, xuống mức thấp trong phiên. Chỉ số S&P 500 giảm 125,78 điểm, hay 3,5%, xuống 3.455,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 598,34 điểm, hay 5%, xuống 11.458,1 điểm. Đây đều là các mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng Sáu.
Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba, trong khi chỉ số Dow Jones mất 1,8% và chỉ số S&P 500 lùi 2,3%.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán tại châu Á ảm đạm phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 260,10 điểm (1,11%), xuống 23.205,43 điểm. Tính chung cả tuần qua, chỉ số này lại tăng 1,4%.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng hạ hơn 1%, dứt chuỗi ba phiên đi lên liên tiếp do áp lực bán ra của giới đầu tư sau khi thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ sàn" trong phiên trước.
Chốt phiên này, chỉ số Kospi hạ 27,65 điểm (1,15%), xuống 2.368,25 điểm, sau khi có thời điểm mất 2,6% trong phiên.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng hạ 187,10 điểm (3,06%), xuống 5.925,50 điểm, được dẫn dắt bởi đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin (-5,6%).
Các thị trường chứng khoán Singapore, Mumbai, Jakarta và Wellington cũng đồng loạt giảm hơn 1% trong phiên này.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của nước này là Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt giảm hơn 1%.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 312,15 điểm (1,25%) và 29,61 điểm (0,87%), xuống 24.695,45 điểm và 3.355,37 điểm.