Ông Phú một tay chèo thuyền, tay kia cầm cây sào dài lần dò dưới dòng nước lũ đỏ quạch lần tìm những chiếc bát quái (lồng lưới dài bắt tôm cá có khung bằng sắt) đã bị nước lũ cuốn trôi. “Năm nay không ngờ nước lên nhanh và to quá. Đầu mùa cá, tôi đã đầu tư gần 30 triệu đồng mua một loạt bát quái mới để đánh tôm, nào ngờ giờ mất hết”, ông Phú nói.
Ông Đinh Văn Phú, 54 tuổi, công nhân mất sức về hưu non, là người đã gắn bó với đoạn sông Hồng chảy qua xã Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) từ lúc mới sinh ra. Nhà ông đã mấy đời ở làng Yên Mỹ, ngoài làm ruộng còn có nghề đánh cá. Không chỉ nhà ông Phú, nhiều gia đình trong làng ngoài công việc đồng áng còn sống bám vào dòng sông. Sông Hồng chảy tới xã Yên Mỹ thì uốn cong rồi xuôi về xã Duyên Hà, tạo nên một vùng vịnh, là điểm tụ cá. Tuy nhiên có cá thì cũng hay có lụt mỗi khi vào mùa hè, nước từ thượng nguồn sông Đà, sông Hồng đổ về. “Nhưng lũ lớn sau bão Yagi thì mấy chục năm nay mới thấy”, người đàn ông gầy gò, gương mặt đen đúa vì sương gió, nói. Lũ lớn đổ về, cả làng đâu đâu cũng ngập. Gia đình nào có nhà 2-3 tầng thì rút lên tầng 2, những nhà dưới thấp buộc phải đi sơ tán nhà người quen ở trong đê.
Theo cổng thông tin huyện Thanh Trì, làng Yên Mỹ xưa có tên là Tiểu Lan Châu (châu ở đây nghĩa là đất bãi bồi, châu thổ). Đây là vùng bãi rộng lớn ven sông Hồng, hình thành từ lâu đời, cư dân lập thành ba làng là Đại Lan Châu, Trung Lan Châu và Tiểu Lan Châu.
Giữa thế kỷ 19, sông Hồng đổi dòng, buộc dân làng Trung Lan Châu chuyển sang bên kia sông, đổi thành Đại Quan (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Làng Đại Lan Châu đổi thành Đại Lan nay thuộc xã Duyên Hà còn làng Tiểu Lan Châu, không rõ từ bao giờ đổi thanh Yên Mỹ. Muộn nhất là đến đầu thế kỷ 19, cái tên Yên Mỹ đã xuất hiện.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Yên Mỹ là một làng lớn, với 2855 nhân khẩu (năm 1928), gần gấp 3 lần dân số của một làng bình thường ở châu thổ Bắc Bộ.
Đứng trên đê sông Hồng nhìn từ Đông Mỹ lên và từ Yên Sở xuống, ta có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh sông nước hữu tình của làng quê Yên Mỹ. Ở vùng đất bãi này, cứ vài chục năm con sông lại đổi dòng cuốn đi bao đất đai của làng. Người dân không những chịu cảnh ngập lụt và sạt lở mà mỗi lần như vậy lại mất đất canh tác. Cuộc sống luôn bị thiên tại đe dọa, dân làng thường ước ao về sự bình yên, cho nên cái tên Yên Mỹ (bình yên và tươi đẹp) ra đời.
“Theo quy luật, cứ một năm nước to lại đến một năm nước cạn. Chúng tôi cứ bám vào quy luật ấy mà tính toán việc trồng cấy”, anh Nguyễn Văn Tráng, 39 tuổi, nông dân làng Yên Mỹ nói. Nhà anh Tráng thầu 5 sào đất bãi ven sông, chủ yếu trồng rau màu. Đất tốt, tiện nguồn nước, đám cà tím, ngô của nhà anh lúc nào cũng xanh mơn mởn. Năm ngoái nước không lên, giữa mùa hè mà cũng chỉ mấp mé dãy sậy ven sông. Anh Tráng cũng tính trước năm nay nước sẽ lên lại, nhưng không ngờ lên nhanh và lớn như thế. Mấy sào rau màu đang xanh tốt, anh Tráng chắc mẩm sẽ kịp thu hoạch trước khi nước vào sâu trong bãi. Nhưng chỉ một đợt mưa lớn kéo dài vài hôm ở Tây Bắc, nước sông lên vùn vụt, chỉ qua một đêm, cả vùng rau màu khu bãi sông chìm hẳn trong nước. “Thế là mất toàn bộ, công sức đổ sông đổ bể”, anh Tráng nói. “Nhưng mà nghĩ tới những người ở vùng cao, sau một đêm mất người thân, mất nhà cửa, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, cái thiệt hại của mình đã thấm vào đâu”.
Ngoài thiệt hại mấy tay lưới và 2/3 số bát quái mới mua, nhà ông Phú còn thất thu toàn bộ đám rau màu trồng ngoài bãi. “Mình thiệt hại vài chục triệu thế là còn ít. Dân nuôi cá còn đang khóc ròng kia kìa”, ông nói.
Vùng Yên Mỹ, Đông Mỹ, Duyên Hà và một số xã lân cận có nhiều đầm, ao, diện tích mặt nước rất lớn và đây cũng là vựa cá của khu vực Thủ đô Hà Nội. Năm nay lũ lớn đổ về, nhiều hộ nuôi cá không kịp trở tay, cá thất thoát nhiều. Theo thống kê của huyện, diện tích nuôi thủy sản của Thanh Trì, tập trung chủ yếu tại Yên Mỹ, Đông Mỹ, Duyên Hà, lên tới hơn 120 ha, bị thiệt hại nặng do lũ lụt.
Lũ lớn đổ về, cuộc sống, sinh kế của cả xã bị đảo lộn. Trẻ con phải nghỉ học, người lớn cũng không thể ra đồng cày cấy. “Mấy ngày lụt nặng, tôi phải xin nghỉ làm, ở nhà trông con và chằng chống nhà cửa”, anh Đức, 32 tuổi, ở thôn 7 Yên Mỹ cho hay. Nhân viên công ty xe buýt Nam Hà Nội này nói mấy ngày lụt, anh “sái hết cả tay phải”, không phải vì bận xé vé cho khách đi xe buýt, mà là “giật cần câu cá ngay trước sân nhà”. Nước lên to, cá trong các hồ nuôi sổng ra, bơi tung tăng khắp đường làng, chui vào vườn nhà lúc này cũng đã ngập cả mét nước. “Cá rô, cá chép, cá chim hàng cân, cá trắm vài ba cân bơi khắp vườn. Em cứ ngồi ở trong nhà thò cần câu ra giật lia lịa”, Đức kể. “Nhưng ngập lụt thì làm gì có điện, tủ lạnh đâu chạy được. Mang cho hàng xóm đến ngày thứ hai thì họ từ chối vì chẳng biết bảo quản thế nào. Đành phải mang về, rồi có giật cá lên lại thả cá xuống”. Ông bố Đức nghĩ ra cách bơi ra cổng đóng chặt lại để giam cá, chờ nước rút bắt ăn dần.
Trong cảnh ngập lụt, cả làng biến thành những ngư dân chuyên nghiệp. Những nhà có thuyền, có chài lưới thì tranh thủ bắt cá rồi bơi ra đê bày lên bán cho người đi đường, tất nhiên giá rẻ rề. “Bán được đồng nào hay đồng ấy”, ông Cường nói. Ông và vợ là bà Sinh trong một buổi sáng quăng chài đã bắt được hơn 6 tạ cá, chủ yếu là cá chim sổng từ hồ nuôi ra, con nào cũng cỡ trên 1 kg. “Ra ngoài đê, bán rẻ 15-20 nghìn đồng một cân, túc tắc cũng kiếm được chút ít”, ông Cường, ở thôn 4, nói. Ông bảo dù bắt được cá, ông vẫn thấy “ngài ngại” khi nhìn thấy cảnh những chủ hồ nuôi đang đêm dầm mưa mang hàng đống lưới nhựa cứng, đóng cọc ngăn bờ hòng giữ cá trong những cái hồ rộng cả hecta. Nhưng dù có nỗ lực, nhiều chủ hồ đã phải bỏ cuộc khi nước lên quá cao, vượt qua cả chiều cao của hàng rào lưới nhựa. Cá nuôi gặp nước lạ đua nhau bơi ra ngoài, len lỏi qua những ngôi mộ ngoài nghĩa địa lúc này đã chìm sâu trong nước, có ngôi mộ còn lộ lên cái chóp nhọn, mà tung tăng khắp chốn. Ngoài kia, dân hôi cá đang đợi sẵn.
Yên Mỹ là một trong hai xã của Thanh Trì đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nghĩa là đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ở cả 8 lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, sản xuất, chuyển đổi số. Đường sá sạch sẽ, thoáng đãng, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, hệ thống thủy lợi đều được đầu tư đầy đủ. Dân làng còn hình thành thói quen tổng vệ sinh môi trường mỗi sáng thứ 7. Vào làng Yên Mỹ, khách sẽ nhận thấy ngay hoa được trồng khắp nơi, từ công viên, đường ven hồ, quanh làng, bên vệ đường… Ở Yên Mỹ còn có một số cơ sở trải nghiệm giáo dục, du lịch sinh thái như Vạn An, Hải Đăng, Đầm Tròn, Vườn Chim Việt…
Nhưng trong đợt lũ vừa qua, các cơ sở này đều chịu thiệt hại, nhiều hạng mục cơ sở vật chất bị tàn phá. Sau cơn bão nhiều ngày, xe cộ, thiết bị của khu trải nghiệm Vạn An vẫn ngập trong nước. Chiếc thuyền sắt hằng ngày dùng để phục vụ du khách nay thành phương tiện chở đồ đạc, lợn gà của dân làng ra đê tránh lụt.
Đối với ông Phú, việc bây giờ là tranh thủ lúc có nhiều cá từ đầu nguồn đổ vào bãi né nước xiết mà giăng lưới, gỡ gạc số vốn đã mất. “Nước sông Hồng đã thế rồi, mùa nhỏ mùa lớn. Năm nay lũ to thì tranh thủ bắt cá, năm sau tôi mới tính chuyện trồng cấy. Sống ở bên sông thì phải quen với dòng sông, xưa nay vẫn thế mà”, ông Phú nói.