Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 14/7 có 961 ca mắc tay chân miệng (TCM), chưa ghi nhận ca tử vong. Còn tại TPHCM, số ca mắc TCM đang gia tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 3 đến 9/7, toàn thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong 7 trường hợp tử vong nêu trên đã có 5 ca tử vong được xác định do chủng Entero virus 71 (EV71).
Theo các chuyên gia y tế, hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là do Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Phân tích kỹ hơn, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh TCM lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng EV71 và CA16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Đáng chú ý là từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các ca mắc bệnh TCM diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Trao đổi về thực tế lâm sàng, BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh TCM được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III và IV. So với những năm trước, năm nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận nhiều trẻ gặp biến chứng thần kinh do bệnh TCM hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi nhập viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân, thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh TCM, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, BS. Đỗ Thị Thúy Nga lại cho rằng, đối với trẻ mắc TCM ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng.
“Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng thì cần đưa trẻ nhập viện kịp thời. Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại kháng sinh” - BS Nga cho biết.
Đối với trẻ bị TCM mức độ nhẹ sau khi khám được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà cần tuân thủ cách ly điều trị để phòng ngừa lây nhiễm. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, bổ sung thêm nước trái cây. Cho trẻ uống sữa mát để đỡ đau miệng (không nên uống nước đá lạnh). Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay, nóng bởi dễ gây bỏng rát. Hạn chế những thức ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đồ tanh, chua, mỡ khó tiêu. Phụ huynh không tự ý dùng thuốc cho trẻ, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.