'Chuồng cọp'- hiểm hoạ từ nhà ống đô thị

Thu Quỳnh - Ngọc Ánh 12/07/2023 10:28

Người dân Thủ đô lâu nay khá "quen" với hình ảnh những chiếc lồng sắt (“chuồng cọp”) cơi nới không gian sinh hoạt của các hộ dân ken đặc bề mặt tường các khu tập thể cũ của Hà Nội và những căn nhà ống đô thị.

Trong vài năm trở lại đây, tại Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn gây chết người ở những ngôi nhà ống cao tầng, có cửa sổ và khu vực sân thượng bị bịt kín bằng khung sắt chống trộm. Ảnh: Ngọc Ánh.
Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn như Hà Nội. Theo thống kê, thành phố có khoảng 70% nhà ở dạng ống, với ba mặt tường kín, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình dựng khung sắt bao kín ban công, tầng tum. Ảnh: Ngọc Ánh.
Nhà ống cũng chỉ có một cầu thang với khoảng hở giữa nhà. Tầng một bố trí bếp, chỗ để ôtô, xe máy và nhiều đồ dễ cháy, sinh khói độc (sofa, xe máy, vật dụng bằng nhựa tổng hợp). Ảnh: Ngọc Ánh.
Hầu hết các ngôi nhà, kể cả những nhà trên phố, đều chú trọng đến vấn đề chống trộm mà không tính đến hoặc thờ ơ với lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn. Nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, mà thường là phía ngoài hay để xe máy - một trong những tác nhân, nguyên nhân gây cháy. Ảnh: Ngọc Ánh.
Thống kê trong 10 năm (2012-2022) của Bộ Công an cho thấy, cháy nổ ở nhà riêng lẻ chiếm 42-60% tổng số vụ cháy nhà và công trình. Mỗi năm có 80-100 người tử vong do cháy nổ thì 80-90% là ở nhà riêng lẻ. Ảnh: Ngọc Ánh.
Việc lắp đặt lồng sắt nhằm mục đích bảo vệ an ninh trở nên phổ biến ở các đô thị. Nếu như nhiều năm trước việc này chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ thì hiện nay trở nên phổ biến ở hầu hết các chung cư cao tầng. Ảnh: Ngọc Ánh.
Đi dọc những khu nhà tập thể cũ trong nội đô Hà Nội, như: Thanh Xuân Bắc, Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh… không khó để bắt gặp hình ảnh những “chuồng cọp” do người dân tự chế. Ảnh: Ngọc Ánh.
Điều đáng nói, không chỉ ở những khu nhà tập thể cũ mà ngay cả ở những chung cư tái định cư cao tầng, như: Đền Lừ (Hoàng Mai) hay Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân)... từ nhiều năm nay người dân cũng đã tự ý lắp đặt thêm phần lồng sắt như vậy. Ảnh: Ngọc Ánh.
Những “chuồng cọp” lơ lửng trên không giăng kín lối thoát hiểm duy nhất. Tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Ảnh: Ngọc Ánh.
Những vụ hoả hoạn gây thương vong về người và tài sản ngày một nhiều, đã gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý về tình trạng cơi nới bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm tại các khu tập thể cũ. Ảnh: Ngọc Ánh.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân khi phát hiện ra cháy cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm cần tìm lối thoát khác qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất hoặc tìm lối thoát lên mái nhà nếu có thể. Tuyệt đối không núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh, tủ quần áo, gầm giường.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần lên phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Bởi các em có thể trở nên rất hoảng loạn, cần được hướng dẫn rõ ràng và giúp ra khỏi nhà do có thể không biết cách thoát nạn hoặc phải làm gì trừ khi có người lớn chỉ dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chuồng cọp'- hiểm hoạ từ nhà ống đô thị