Cùng góp một ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra những băn khoăn về việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh (HS), đồng thời đặt ra vấn đề cần phải có những buổi tổng kết, tìm hiểu rõ các nguyên do vì sao HS không thích học Sử...
GS Phạm Tất Dong.
Cần làm tốt việc phân luồng
Theo GS Phạm Tất Dong, muốn phân luồng tốt thì không ai phân luồng từ lớp 12. Bởi vì, khẩu hiệu của chúng ta là phổ cập trung học, nếu chúng ta nghĩ đó là phổ cập THPT là không đúng. Bởi nói phổ cập trung học tức là học trường nghề, trường chuyên nghiệp cũng là học trung học. Phải phân luồng từ lớp 9, để cho một số em sẽ vào trung học nghề, một số em vào trung học chuyên nghiệp, vào THPT. Nhưng bây giờ 2 luồng quan trọng là trung học chuyên nghiệp và trung học nghề thì lại thuộc Bộ Lao động quản lý. Bộ GD&ĐT chỉ có THPT. Do đó, khi các em học xong lớp 9 thì không có luồng nào để phân, HS chỉ có một cách là vào học THPT.
Nhiều tỉnh phấn đấu bằng được tất cả HS trong tỉnh mình đều học xong THPT. Cho nên khi học xong THPT, không ai quay lại đi học nghề nữa mà nghĩ rằng mình phải đi học ĐH vì đã cất công học 12 năm rồi. Vậy nên việc phân luồng luôn thất bại.
Nếu làm việc một cách khoa học, ngay từ khi các em học lớp 8-9 phải bắt đầu định ra những HS nên hướng các em đi học nghề, đi học THPT... Thế nhưng tất cả những hướng đi ấy sau khi các em học xong đều phải có trong diện học không chính quy để các em bồi bổ kiến thức. Từ đó, dần dần đạt đến trình độ ĐH thì các em sẽ yên tâm vì đi theo luồng nào cũng được học ĐH. Còn nếu không thích học ĐH thì cứ luồng nào thích thì đi. Như có những người muốn phấn đấu bằng được bậc thợ cao nhất để trở thành những chuyên gia cao cấp ở những lĩnh vực tay nghề đó. Lại có những em học nghề nhưng lại muốn thi vào học ĐH thì có thể học theo con đường không chính quy thì vẫn học được.
Tôi cho rằng, đến một lúc nào đó, dân mình phải vỡ lẽ ra một điều học không chính quy mới là cực kì quan trọng. Đó là vấn đề tự học là chính. Trong đó, có tự học có hướng dẫn hoặc không có hướng dẫn. Có như vậy người ta mới học suốt đời được. Chứ còn học chính quy lúc nào cũng cắp sách đến trường thì ai cho phép anh bỏ sản xuất mà đến trường.
Tôi vẫn cứ khẳng định một người tốt nghiệp ĐH mà không học chưa chắc đã bằng một anh tốt nghiệp trường nghề mà tự học. Bây giờ có rất nhiều người nông nông dân chỉ học đến lớp 8, 9 nhưng chế tạo được ra máy móc, phân bón mới, chăn nuôi nổi tiếng... Họ trở thành chuyên gia chăn nuôi mà trình độ ngang với ĐH, thậm chí kiến thức hơn ĐH. Những người đó mới là những người sống thực, còn những người cầm bằng trong tay mà không làm được cũng vô nghĩa.
Thực ra trong tư duy giáo dục không thể tách rời tư duy kinh tế. Có như vậy mới có thể nhìn được đào tạo như thế nào để có được một nền sản xuất tốt trong điều kiện của mình. Không thể so sánh kinh tế của ta với kinh tế Mỹ, Canada được. Kinh tế của nước mình là kinh tế nông nghiệp đang chuyển sang kinh tế công nghiệp, nên có những đặc điểm riêng của kinh tế, lịch sử... Cho nên con người đào tạo ra phải có những mẫu chung nhưng lại phải có những đặc biệt của đất nước mình.
Về CT GDPT tổng thể, ông tiếp tục nêu quan điểm: Theo tôi trường ĐH phải làm nhiệm vụ dắt dẫn, hướng đạo cho các trường PT. Có loại trường ĐH đào tạo nữ là chính, loại trường kia đào tạo công nghiệp là chính nhưng là cho Việt Nam ở từng giai đoạn. Còn bây giờ thi rồi lấy điểm chọn vào trường ĐH chính là làm ngược. Trường ĐH là sự định hướng cơ bản vì nó đại diện cho các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân. Tri thức ở ĐH mới là tri thức của thời đại ngày nay chứ không ai đi lên CNXH, giải quyết CNH – HĐH bằng phổ thông cả.
Học sinh không thích Sử phải có lí do
Về riêng môn Lịch sử, thời gian quan khiến khá nhiều chuyên gia giáo dục cũng như giáo viên dạy Lịch sử phải đau đầu. Việc xảy ra tranh cãi vừa qua với vấn đề nên để Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc cũng bởi chúng ta chưa biết cách làm cho HS thích Sử. Ông Dong chia sẻ: Chúng ta chưa có hội nghị nào tổng kết nguyên nhân tại sao HS không thích học môn Lịch sử mà lại cứ để tình trạng này kéo dài mãi. Do tại chương trình, tại sách giáo khoa hay tại thầy? Hay là do tổ chức thi nặng về những môn khác quá nên HS không học Sử nữa? Vấn đề này có rất nhiều lí do nhưng nếu không tổng kết thì không biết được nguyên nhân. Giống như việc bác sĩ chữa bệnh thì phải bắt trúng bệnh. Ví như bệnh nhân bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân như ăn đồ ôi thiu, đau dạ dày… Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân thì không thể chữa trị hiệu quả được.
Tuy nhiên, nếu “chữa” bệnh HS không thích học Sử bằng cách đưa môn này vào kiểm tra, đánh giá nếu không học thì bị điểm liệt cũng chỉ là chữa triệu chứng chứ không phải chữa nguyên nhân. Như Bác Hồ đã “nói dân ta phải biết sử ta”, nếu người dân Việt Nam không hiểu Sử nước mình mà lại hiểu sử nước ngoài là không được. Như vậy thì tinh tần tự tôn dân tộc sẽ kém đi.
Tôi nghĩ phải có chính sách đối với môn học này và phải xem lại đội ngũ của nước mình. Trong đó, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản khiến HS không thích học Sử là do giáo viên dạy. Có những giáo viên dạy môn Sử rất dở, nhiều khi dạy như chính trị. Như vậy sẽ làm cho môn học này bị khô khan và buộc HS phải học bằng trí nhớ chứ không bằng hứng thú đối với lịch sử cha ông, đất nước mình.
Không chỉ môn Sử mà nhiều môn học khác giáo viên cũng biến thành môn chính trị, khô cứng. Trong khi mỗi môn học đều có đối tượng, phương pháp, nội dung của nó. Chúng ta lại dạy tất cả như nhau, dạy Toán, Văn... cũng theo một cách dạy như vậy là không phù hợp. Dù sao Toán học, Vật lý có hấp dẫn riêng, còn khoa học xã hội nếu giáo viên dạy không cẩn thận sẽ lấn từ môn này sang môn kia. Tức là dạy Địa thì phải ra Địa chứ không thể ra dạy chính trị. Còn chính trị ra chính trị chứ không phải ra câu chuyện.
Bây giờ có thể dạy môn Sử hấp dẫn bằng cách cho HS học qua video, phim ảnh nhưng vấn đề là giáo viên có sử dụng hay không hay là cho rằng như vậy mất thì giờ quá. Một tiết Sử chỉ có 45-50 phút, thời gian chuẩn bị máy móc đã gần hết giờ học. Thực ra việc dạy bằng hình ảnh có các clip là rất hay. Nhưng phải dạy như thế nào để HS sau khi xem phải rút ra được những điều quan trọng của đoạn phim đó.