Trả lời những băn khoăn về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình cho biết, sẽ kiến nghị triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10 trong năm học 2018-2019. Năm tiếp theo sẽ triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đến năm học 2022 – 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Về số lượng môn học và hoạt động giáo dục thì chương trình mới ít hơn hoặc tương đương chương trình hiện hành. Ảnh: Khánh Vy.
Giảm số môn học, thời lượng học tập
Sau hơn nửa tháng công bố dự thảo, Ban Phát triển CT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của những người quan tâm tới giáo dục. Đến nay, mặc dù đã hết thời gian góp ý cho dự thảo nhưng với tính chất quan trọng của CT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến để các nhà khoa học nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý đến hết ngày 20/5.
Theo Ban soạn thảo CT, đặt trong so sánh về số lượng môn học và hoạt động giáo dục thì chương trình mới ít hơn hoặc tương đương chương trình hiện hành. So với các nước tiên tiến khác như Anh, Đức, Nhật Bản thì số lượng môn cũng không nhiều hơn.
Cụ thể, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, lớp 1, lớp 2 CT mới có 8 môn, CT hiện hành là 10 môn, CT của Anh, Đức, Nhật Bản lần lượt là 10, 6, 8. Tương tự, lớp 3 CT mới có 9 môn, CT hiện hành 10, của Anh 11, Đức 7 và Nhật Bản 9.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), theo CT mới, lớp 10 có 13 môn học và 2 Hoạt động giáo dục (HĐGD); lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và HĐGD. CT hiện hành có 13 môn học và 4 HĐGD ở tất cả các lớp. Trong các môn học và HĐGD, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập. Thực chất, chỉ có 6 môn có lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.
Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết CT tổng thể mới chỉ là bộ khung của chương trình GDPT. Để đánh giá mức độ nặng nhẹ của CT, cần phải có CT cụ thể của các môn học.
Về thời lượng học tập, theo dự thảo, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi HS học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho HS tiểu học và thời gian học các môn tự chọn, ít hơn thời lượng học tập trung bình của HS do tổ chức OECD thống kê là 7.390 giờ.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Ban Phát triển CT dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên: không quá lo lắng
Để có thể triển khai CT mới từ đầu năm học 2018 - 2019, vấn đề đặt ra là khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất. Ban soạn thảo cho biết sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai theo từng bước để các địa phương có đủ thời gian để chuẩn bị, làm sao để đến năm học 2022 – 2023, CT mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên, không phải đến khi đưa ra dự thảo chương trình mới đề ra mục tiêu đổi mới giảng dạy. Từ sau khi có Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2013, các trường ĐH sư phạm đã chủ động ngồi lại với nhau để chuẩn bị xây dựng CT. Hiện 7 trường sư phạm trong cả nước đã thống nhất sử dụng khoảng 70% CT do trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và đổi mới theo đòi hỏi của thực tiễn.
GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đã chuẩn bị những chuyên đề bồi dưỡng giáo viên khi có CT mới thông qua việc khảo sát đối với các thầy cô đang giảng dạy, những gì thầy cô cần và còn thiếu.
Riêng đối với các môn học tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ, các môn nghệ thuật, ngay từ năm 2014, nhà trường cũng đã có sự chuẩn bị để sinh viên ra trường từ năm 2018 có thể đảm bảo chất lượng để giảng dạy theo CT mới.
Vì vậy, theo GS. Nguyễn Văn Minh, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho CT mới “không quá lo lắng”.
Về phía giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh khẳng định không phải đến bây giờ mà các giáo viên đã được tiếp cận đổi mới từ nhiều năm trước. Cụ thể, qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; triển khai thực hiện và tổ chức các cuộc thi liên môn, tích hợp, thi khoa học kĩ thuật; triển khai đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đối với CT mới lần này, cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Bộ GD-ĐT nên chủ động có kế hoạch sớm để chỉ đạo các trường sư phạm vừa đào tạo giáo viên mới vừa tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên phổ thông để đáp ứng được chương trình GDPT mới.
Dự thảo CT tổng thể đã đưa vào các năng lực tư duy phản biện, tư duy logic, quản lý tài chính cá nhân vào những năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Cụ thể, tư duy phản biện là nội dung quan trọng, xuyên suốt của năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Một trong những biểu hiện của tư duy phản biện ở học sinh các cấp học được dự thảo CT tổng thể chỉ ra là: “nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng” (học sinh tiểu học); “quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau” (học sinh THCS); “không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề” (học sinh THPT). |