Không chỉ xây dựng nhiều chương trình mang tính thường niên, dịp Tết 2023, nhiều đơn vị sản xuất giới thiệu đến công chúng loạt hoạt động văn hoá đặc sắc, phong phú song không kém phần thú vị.
Xu hướng… “ăn theo” chương trình hay
Những chương trình Tết từ lâu đã làm một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những ngày xuân về. Hòa chung không khí náo nức dịp này, các đơn vị sản xuất cùng những nghệ sĩ, danh hài tạo nên nhiều chương trình Tết hay, đặc sắc nhằm thu hút khán giả cả nước.
Như đã thành thông lệ, đêm 30 Tết, các gia đình Việt thường quây quần bên nhau xem Táo Quân. Lên sóng 20 năm, Táo Quân trở thành một chương trình không thể thiếu của mọi nhà mỗi dịp Tết đến Xuân về. Song, cũng có nhiều đánh giá, Táo Quân chỉ có sức hút mạnh đối với khán giả miền Bắc.
Để phục vụ khán giả của mình, ở miền Nam, nhiều đơn vị sản xuất đã “ăn theo” chương trình này để cho ra mắt Táo Xuân 2023. Tuy ra mắt sau Táo Quân nhưng Táo Xuân 2023 quy tụ dàn diễn viên quen thuộc, những cây hài gạo cội của miền Nam.
Thông tin từ đơn vị sản xuất, năm nay, nghệ sĩ Hữu Châu, Ca sĩ Cẩm Ly sẽ vào vai Ngọc Hoàng, Thiên Hậu cai quản thiên đình.
Nghệ sĩ Việt Hương đảm nhận vai Táo Hồng, một người trượng nghĩa, dũng cảm hết mình giúp nhân gian. Bộ ba nhà Táo còn có nghệ sĩ Minh Nhí (Táo Đỏ), MC Đại Nghĩa (Táo Xanh).
Không chỉ vậy, Táo Xuân Quý Mão 2023 là câu chuyện đi tìm linh khí của hổ thần để chuẩn bị cho việc chuyển giao sang năm mới. Để tìm được linh khí, chư tiên phải xuống trần tìm hiểu thực tế chốn nhân gian, và cùng chung sức giúp dân.
Ở mỗi bối cảnh, Ngọc Hoàng phân công cho các Táo phụ trách khu vực đó am hiểu kỹ địa bàn là người phụ trách chính dẫn dắt cả tiên đoạn thâm nhập, từ đó va chạm với các vấn đề nổi cộm ở trần gian, cùng chung sức giúp đỡ.
Không riêng gì Táo Quân, Táo Xuân, chương trình Gặp gỡ diễn viên truyền hình cũng na ná giống với Sóng. Hay Gala cười lại cùng khuôn mẫu với Gặp nhau là Tết - Tết là gặp nhau…
Có thể thấy, các chương trình Tết có công thức giống nhau đều chung mục đích hướng tới. Dù vậy, mỗi chương trình lại mang nét đặc sắc riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho bản sắc, văn hóa Việt. Khán giả vì thế mà có thêm nhiều lựa chọn…
Chương trình Tết năm nay có gì ngoài hài nhảm, phim?
Đa màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc, để đón Tết Qúy Mão, bên cạnh những chương trình đặc biệt phát vào đêm giao thừa với sự đầu tư công phu, các đơn vị còn có thêm nhiều hoạt động văn hoá Mừng Đảng - Mừng Xuân, đón chào năm mới.
Hòa trong không khí hân hoan, hồ hởi trước thềm năm mới, ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng vừa công bố loạt hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân Quý mão “Tết Việt - Tết phố 2023”.
Theo chia sẻ từ ekip, chương trình hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2023” sẽ tổ chức các hoạt động tại các điểm như: giới thiệu không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội tại Ngôi Nhà Di sản - 87 Mã Mây; trưng bày giới thiệu con giáp của năm - con Mèo tại các điểm đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm - 2 Lê Thái Tổ; Giới thiệu các sản phẩm làng nghề phục vụ Tết truyền thống tại không gian bích họa phố Phùng Hưng …
Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thông tin, chương trình lần này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Đây đồng thời là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế. Trải qua ba năm đại dịch Covid phức tạp, nhân đón Tết Nguyên đán Quý Mão, “Tết Việt - Tết Phố 2023” sẽ mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”, Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù được thể hiện theo hình thức nào, các chương trình Tết đều hướng về sự thiêng liêng của ngày lễ cổ truyền, phong tục gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, sự sum vầy, đoàn viên của gia đình… Đó đều là bản sắc văn hóa của người Việt Nam từ bao đời nay.