Nhân dịp Trung thu, Bảo tàng DTHVN phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tổ chức các chương trình mang đậm nét Trung thu truyền thống và những sắc màu văn hóa Đồng Tháp trong 2 ngày 30/9 và 1/10, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi của công chúng Thủ đô.
Hoạt động trải nghiệm tập làm cốm Vòng.
Trung thu năm nay là sự kết hợp ấn tượng giữa văn hóa Nam Bộ và văn hóa Bắc Bộ. Đem đến cho công chúng Thủ đô những trải nghiệm mới lạ về sắc thái văn hóa của vùng sông nước qua phần trình diễn và giao lưu của những người dân đến từ Đồng Tháp - “trái tim của đồng bằng sông Cửu Long”.
Các nghệ nhân dân gian sẽ trình diễn Hò Đồng Tháp, hướng dẫn làm đèn Trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa. Người dân Hồng Ngự trình diễn dệt choàng (khăn rằn) và hướng dẫn du khách trải nghiệm sử dụng choàng trong đời sống.
Ngoài ra, còn có hoạt động trò chuyện và giao lưu với người dân Đồng Tháp để tìm hiểu, khám phá về đời sống của người dân nơi đây.
Học tết lá dừa.
Đặc biệt, du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của địa phương như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng, cá lóc nướng cuốn lá sen non, bánh khọt nhân sen, chè sen, sen sấy, nem chua Lai Vung, bì mắm…
Bên cạnh các hoạt động giới thiệu văn hóa Đồng Tháp, Bảo tàng còn có những hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống, như: nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu; nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột; làm cốm Vòng; làm bánh dẻo; cắt tỉa hoa quả; học bày mâm cỗ Trung thu; hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian...
Nghệ nhân hướng dẫn làm con giống chuyển động.
Đây là những hoạt động được Bảo tàng tổ chức thường xuyên, nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ tăng cường hiểu biết về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Ngoài ra, công chúng đến với chương trình còn có cơ hội tìm hiểu về đồ chơi Trung thu truyền thống qua trưng bày bộ sưu tập các loại đèn Trung thu trước 1975 và các con giống bột với nhiều phong cách của ông Trịnh Bách - một người có tâm huyết khôi phục đồ chơi dân gian. Trưng bày này diễn ra từ ngày 30/9 đến 4/10.
Nghệ nhân hướng dẫn nặn tò he.
Đặc biệt, vào lúc 10h30 ngày 30/9 và 1/10 còn có buổi giao lưu trò chuyện với ông Trịnh Bách để tìm hiểu các câu chuyện xung quanh con giống bột qua phong cách Đồng Xuân, Phú Xuyên, Huế, Phố khách... cũng như các loại đèn truyền thống: đèn con thỏ, đèn cá chép, đèn con bướm, đèn ông sao 6 cánh, đèn củ ấu...
Tình nguyện viên hướng dẫn làm đèn con thỏ.
Đây là cơ hội tốt để vui chơi, tìm hiểu với nhiều trò chơi và đồ chơi dân gian mang ý nghĩa giáo dục cao; đồng thời khám phá những nét văn hóa của cư dân vùng “sen hồng” thông qua các nội dung trình diễn cũng như hoạt động trải nghiệm dành cho các nhóm gia đình và trẻ em.