Ơn ai một chút chẳng quên, từ xa xưa lắm, hình như đã trở thành đạo lý dân tộc. Trong xã hội truyền thống cổ truyền ấy, những người thầy luôn đứng ở vị trí trung tâm của lòng biết ơn. Như thầy thuốc, thầy giáo.
Cho nên, lễ tết cha mẹ đem con gà quả trứng đến biếu thầy giáo cảm ơn vì đã dạy dỗ con em mình hoàn toàn là câu chuyện phải đạo thôi. Hay là một người thầy thuốc trị bệnh cho mình xong mà không nhớ ơn, không có cái đạo lý phải làm là mang chút quà tới biếu là chưa phải đạo…
Tự nhiên, hôm nay lại liên tưởng đến chuyện này dù mọi thông tin đang xôn xao trên mạng chả ai bàn về chuyện này cả. Là bởi vì vừa nghe trong chỉ số hài lòng của người bệnh được công bố, nhóm khảo sát cho biết có 9,5% người bệnh thừa nhận đưa “phong bì” cho bác sĩ, nhưng 85% trong số này cho rằng họ gửi quà biếu để thể hiện sự cảm ơn bác sĩ chứ không vì cần ưu tiên về dịch vụ. Nghĩa là mặc kệ đâu đó nói về xách nhiễu (chuyện ấy không phải là không có) thì trong số các loại “phong bì” có những thứ thuộc về đạo lý, đạo nghĩa, thẳm sâu từ trong truyền thống dân tộc.
Cảm ơn một ai đó làm việc tốt cho mình có gì là sai đâu. Cho nên, suy cho cùng mọi việc đều là do cách chúng ta ứng xử và được ứng xử trong cuộc đời này. Cùng một cái phong bì mà phải đưa vì bị xách nhiễu khác hẳn với cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn. Người nhận chắc cũng vậy thôi, chả hay ho đẹp đẽ gì cái việc gây khó chịu khó khăn cho người khác để vòi vĩnh cả…
Cùng thay đổi nhận thức và cùng ứng xử khác đi thì có lẽ sẽ cùng nhau có được sự dễ chịu hài lòng. Mặc dù để có được ứng xử khác đi là một khoảng cách không hề ngắn về nhận thức và văn hóa trong đời sống nhiều tính thực dụng hôm nay.