Chuyện của bà Sáu Thia

Đoàn Xá 27/06/2021 13:58

Được tạp chí Forbes danh tiếng xếp vào 1 trong 20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng cho cộng đồng năm 2021, bà Trần Thị Kim Thia (63 tuổi) gần như lạc lõng với những người phụ nữ khác trong danh sách như ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý... bởi công việc hàng ngày của bà chỉ là bán vé số dạo. Thế nhưng hai mươi năm qua, người phụ nữ này đã khiến người ta kinh ngạc bởi sự bền bỉ, tận tâm với một công việc duy nhất: Dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Bà Sáu Thia chuẩn bị một giờ học bơi.

Những chiếc cọc tre của bà Sáu

Thực tế, trước khi được tạp chí Forbes vinh danh, bà Sáu Thia cũng từng được tôn vinh. Đó là Huân chương lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng năm 2020, hay là 1 trong 100 người phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin BBC bầu chọn. Trước đó, bà cũng được hãng sơn Kova bầu chọn là người phụ nữ sống đẹp, tiêu biểu của xã hội năm 2017... cùng nhiều bằng khen của lãnh đạo tỉnh, huyện nơi bà sinh sống.

Khi tới xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) hỏi về bà Sáu Thia, gần như ai cũng dễ dàng chỉ đường tới nhà bà. Gặp chúng tôi, bà Sáu Thia bảo bà quê tận dưới miệt Gò Công (tỉnh Tiền Giang), hồi trẻ lưu lạc lên đây làm thuê kiếm sống. Do bà là người con thứ 7 trong gia đình nên tên thường ngày gọi là Sáu Thia (ở miền Nam người con cả thường gọi là anh hai, chị hai). Sau đó bà dựng nhà ở lại vùng đất này, ngay bên con kênh An Long chạy dọc vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười.

Về cơ duyên đến với việc dạy bơi cho trẻ em trong vùng, bà kể, cách đây chừng hai mươi năm, ở xã người ta mở lớp với khuyến khích dạy bơi cho trẻ nhỏ, kêu gọi các phụ huynh cho con em tham gia. Bởi vùng đất này mỗi năm có tới 3-5 tháng mùa nước nổi, tình trạng đuối nước năm nào cũng có. “Thế nên mình xin làm “huấn luyện viên” dạy bơi cho các em dù lúc đó không nghĩ công việc ấy lại gắn bó với mình lâu đến vậy. Sau đó, một phần vì quen với các em nhỏ, một phần vì mình chỉ có một mình, không chồng con nên có thời gian nhiều hơn” - bà Sáu kể bằng một giọng buồn buồn.

Dù đã biết trước về danh tiếng của bà nhưng khi tới hồ bơi mà 20 năm qua bà đã dạy cho hàng ngàn học sinh, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Nó thực tế chỉ là một góc nhỏ ven kênh An Long được bà Sáu đóng bằng những chiếc cọc tràm, cọc tre, có thêm mấy thanh ngang cho tụi nhỏ có thể vùng vẫy và cũng không thể bơi quá xa. Những cọc tre ngang dọc này cũng để bọn nhỏ mệt thì bám vào, rồi vùng vẫy để có thể tự bơi được. Tổng cộng, khu dạy bơi chỉ chừng hai mươi mét vuông mặt nước. Bà bảo mỗi lớp dạy bơi của bà chừng khoảng 10 tới 15 học viên, có lúc con số chỉ là 7-8 tùy theo thời gian.

“Bọn nhỏ ở loanh quanh trong xã được cha mẹ chở tới mỗi buổi chiều. Hầu hết ở lứa tuổi từ 8 đến 15. Có cả con gái nhưng đa phần là con trai. Sau này nhiều người biết chuyện tôi dạy bơi miễn phí nên bọn nhỏ ở xã Trường Xuân, Hưng Thịnh, Gáo Giồng, Tràm Chim cũng lặn lội tìm tới. Ở đâu cũng được hết, cứ đến đây học chừng mười buổi là thành thạo sông nước, kiểu gì cũng bơi được” - bà Sáu Thia nói.

Cách dạy bơi của bà cũng rất đơn giản. Mỗi buổi chừng 1 giờ đồng hồ vì bơi lâu quá các em rất dễ bị cảm lạnh, mất thân nhiệt. Trong một giờ đồng hồ đó, bà dành mười năm phút đầu để hướng dẫn các em mấy động tác thể dục các khớp chân, khớp tay trước khi cho các em xuống nước. Mà ven con kênh này, nước không sâu, chỉ ngang ngực người lớn nhưng cũng đủ để các em nhỏ tha hồ vùng vẫy, nô đùa trong thời gian học bơi.

Bình dị mà cần thiết

Nếu đọc những tin tức về tình trạng đuối nước ở trẻ em trên các phương tiện truyền thông, với vô vàn những vụ việc đau lòng mà năm nào cũng diễn ra, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của công việc mà bà Sáu Thia đã làm bao nhiêu năm qua. Nó giản đơn, bình dị thôi nhưng lại vô cùng cần thiết. Những kỹ năng bơi lội mà các em học được từ người phụ nữ này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong cuộc sống.

Hiện nay, ở khu vực đô thị,việc trẻ em tắm ngoài môi trường nước tự nhiên rất hiếm hoi nhưng ở vùng quê xa xôi nằm giữa Đồng Tháp Mười, tình trạng vẫn còn tuy không nhiều. Đặc biệt khi mùa nước nổi tràn về, vùng đất này cũng thường xuyên bị nhấn chìm trong nước lũ khi mà mực nước thường cao thêm từ 2 tới 2,5 m. Vì thế, công việc của bà Sáu vẫn vô cùng thiết thực và nhiều bậc cha mẹ phụ huynh vẫn tin tưởng bà. Ngoài ra, biết bơi không chỉ để các em tắm ngoài môi trường tự nhiên mà có thể đó là một kỹ năng cần thiết và quan trọng của các em, có thể sử dụng đâu đó trong cuộc sống này.

Ngồi cùng chúng tôi, bà Sáu bảo bà không thể nào nhớ hết tên tuổi, số lượng những trẻ em mà bà đã dạy bơi suốt hai mươi năm qua. Tuy nhiên, mỗi năm bà thường dạy từ 8-10 lớp, mỗi lớp chừng hơn chục em. Tính sơ sơ, có tới vài ngàn em nhỏ đã được bà dạy bơi. Và rất kỳ lạ, dù không phải là huấn luyện viên, không có kỹ năng bơi lội xuất sắc nhưng bằng sự nhiệt thành và bền bỉ, hàng ngàn em nhỏ đều thành thạo bơi lội qua khóa học của bà. Từ mùa khô qua mùa mưa, từ lúc nước nổi tràn đồng cho tới khi nước cạn, lớp học và cái bể bơi ngoài trời của bà Sáu lúc nào cũng nhộn nhịp.

Về công việc hiện nay, bà Sáu bảo về già tuổi cao không còn làm thuê làm mướn việc nặng cho người ta được nên gần chục năm qua bà chuyển qua nghề bán vé số dạo. “Lúc thì chạy xe xuống chợ Trường Xuân, lúc thì ngược về Tràm Chim hay xuống Mỹ An, Thanh Bình bán vé. Có chiếc xe gắn máy cũ, mình chạy tới những khu chợ, thị trấn gần để bán. Bán tới chiều thì về với tụi nhỏ, bất kể hết hay còn. Mỗi ngày cũng kiếm được trăm ngàn đồng trừ tiền xăng xe nước uống” - bà kể tiếp.

Mặc dù cuộc sống thường nhật vất vả nhưng chưa bao giờ bà nhận một đồng tiền công dạy bơi nào của cha mẹ các em nhỏ. Bà bảo bà làm vì niềm vui cá nhân. Do bà sống một mình nên coi như chính các em đã mang đến niềm vui hàng ngày cho bà. Ngoài ra, bà cũng nhận được trợ cấp một số tiền nhỏ từ lãnh đạo xã cho công việc dạy bơi này, cùng với một số việc về dân số trong ấp mà bà tham gia từ trước.

Chia tay bà Sáu Thia và ngôi nhà nhỏ ven kênh của bà, chúng tôi thực sự cảm kích vì sự bền bỉ, nhiệt thành trong suốt ngần ấy năm của người phụ nữ này. Bà bảo giờ đang là mùa khô lại có dịch bệnh nên các em nhỏ cũng ít tụ tập về học bơi. Nhưng thỉnh thoảng cuối tuần vẫn có dăm em đến học. Các em vừa học bơi, vừa vui chơi dưới nước trong thời gian rảnh rỗi để tập luyện cho mình kỹ năng quan trọng, rất cần thiết trong cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện của bà Sáu Thia