Chuyển dịch công nghệ năng lượng và môi trường: Thách thức nhiều phía

Hương Thu 04/07/2023 08:00

Trước đây Việt Nam là nước xuất khẩu về năng lượng, cụ thể là xuất khẩu dầu thô, than… Từ năm 2015 trở lại đây, Việt Nam trở thành nước nhập siêu về năng lượng. Bài toán phát triển công nghệ năng lượng và môi trường đang đặt ra cấp thiết song thách thức từ thực tế là không nhỏ.

Ba kiến nghị từ doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 vừa tổ chức tại Hà Nội, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu đó là chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh ngành năng lượng và môi trường hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyển thống, chuyển giao sử dụng các nguồn năng lượng mới, bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong đó, để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chiến lược chuyển dịch năng lượng của đất nước, cần nhiều yếu tố từ chính sách tổng thể đến thực tiễn triển khai từ địa phương.

Là doanh nghiệp tập trung vào đầu tư điện gió, xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và phát điện, Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO hiện đang triển khai dự án nhà máy điện rác Seraphin tại xã Xuân Sơn, TP Sơn Tây (Hà Nội). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc AMACCAO, đơn vị đang gặp khó khăn liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vì đây là lĩnh vực mới nên các tổ chức tín dụng ngân hàng cho vay trước rất dè chừng.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin. Ảnh: TL.

"Dự án nhà máy điện rác Seraphin cần nguồn vốn hơn 4.000 tỉ. Khi làm việc với ngân hàng BIDV thì không thể lấy dự án đó ra để thế chấp nên phải mang tài sản của tập đoàn, những tài sản khác nằm ngoài dự án mới thế chấp được trong khi vốn vay hạn chế, chỉ chiếm khoảng 50-60%. Đây là một thách thức vô cùng lớn, nhất là với các doanh nghiệp nội địa. Nếu doanh nghiệp không có thực lực tài chính thì sẽ khó triển khai", ông Nguyễn Trọng Quỳnh nhận định.

Khó khăn thứ 2 đó là về mặt cơ chế chính sách. Trước đây trong Quy hoạch điện VII nêu rõ từng dự án có công suất bao nhiêu nhưng Quy hoạch điện VIII không nêu. Khi thực hiện các dự án rất lúng túng trong việc xác định công suất như thế nào dẫn đến vướng mắc về thủ tục.

"Về công nghệ, một số sản phẩm khoa học công nghệ của địa phương khi doanh nghiệp tiếp cận thì thẩm quyền thẩm định sản phẩm này lại của Bộ Khoa học Công nghệ, không phải của Sở gây ra những lúng túng" - ông Nguyễn Trọng Quỳnh nêu vấn đề và kiến nghị từ các cơ quan chức năng, từ trung ương tới địa phương cần biến sự quan tâm thành hành động hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cơ chế chính sách để các nhà đầu tư triển khai được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

"Dự kiến, thời gian tới doanh nghiệp sẽ triển khai thêm các nhà máy điện rác. Dự án đốt rác phát điện các địa phương đều quan tâm nhưng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn mới có thể triển khai. Đơn cử như nhà máy điện rác Seraphin, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà cứ đi theo tuần tự thì rất khó hoàn thành”, ông Quỳnh nói.

Đổi mới sáng tạo, chung tay hành động

Đây là thông điệp các đại biểu gửi đi từ Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023. Với công nghệ, rõ ràng có những cái mới chưa có tiền lệ nên khi triển khai trong thực tế sẽ rất vướng trong quản lý. Đồng thời, cái mới cũng dễ gặp rủi ro nên cần có những đột phá về chính sách, nguồn vốn để tạo điều kiện doanh nghiệp mạnh dạn triển khai.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, khi đổi mới sáng tạo phải xác định 3 trụ cột, thứ nhất là công nghệ. Trong thời đại phát triển rất nhanh và vấn đề hội tụ của công nghệ tích hợp với nhau, phần ứng dụng chuyển giao phát triển công nghệ rất quan trọng. Nếu không có phát triển công nghệ thì sẽ không thể làm chủ công nghệ. Thứ hai là mô hình quản lý và trụ cột thứ ba là thể chế chính sách cần thay đổi để kịp với sự phát triển của thực tiễn.

"Ba trụ cột này cần phát triển song song. Liên kết giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cần được đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp" - ông Nguyễn Đức HOaoangf nhấn mạnh.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết chúng ta đã có Nghị Quyết số 55 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với Quy hoạch điện VIII đã có những thay đổi về chất so với những quy hoạch điện trước đây. Cụ thể chúng ta có những giải pháp để thực hiện được những mục tiêu và cam kết của chính phủ là đạt được mục tiêu Net Zero đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ, mục tiêu rất tham vọng thể hiện tầm nhìn của Chính phủ về dài hạn trong việc chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.

Trước đây Việt Nam là nước xuất khẩu về năng lượng, cụ thể là xuất khẩu dầu thô, than… Từ năm 2015 trở lại đây, Việt Nam trở thành nước nhập siêu về năng lượng. Giải pháp chuyển đổi năng lượng bền vững giúp nền kinh tế của chúng ta phát triển xanh hơn, bền vững hơn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu cũng như giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dẫu vậy, thách thức là không nhỏ.

"Nhu cầu đầu tư, nhu cầu vốn để đạt được kịch bản đầu tư theo Quy hoạch điện VIII thì sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư so với kịch bản phát triển các dạng năng lượng thông thường. Chúng tôi ước tính tăng cỡ khoảng 30-40% - đây là thách thức lớn. Vì vậy, chúng ta cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế", ông Trịnh Quốc Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển dịch công nghệ năng lượng và môi trường: Thách thức nhiều phía

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO