Chuyển đổi 50.000 ha rừng sang trồng cao su: Doanh nghiệp phớt lờ cam kết với tỉnh

18/07/2015 09:50

Chiều 17 -7, kỳ họp thứ 9, khóa X (nhiệm kỳ 2011-2016), tại phiên chất vấn một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc chuyển đổi 50 nghìn ha đất rừng nghèo sang trồng cao su. Tuy nhiên qua 7 năm tiếp nhận dự án các chủ đầu tư đã quên mất các cam kết đó là giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở hạ tầng và quên luôn nghĩa vụ đóng thuế cho địa phương.

Chuyển đổi 50.000 ha rừng sang trồng cao su: Doanh nghiệp phớt lờ cam kết với tỉnh

Vườn cao su tại xã Ia Mơ huyện Chư Prông

Trình bày những kiến nghị của cử tri tại phiên chất vấn, ông Lâm Thế Tổng, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết thời gian qua các tầng lớp nhân dân trên địa bàn rất quan tâm về Dự án “chuyển đổi 50 nghìn ha đất rừng nghèo sang trồng cao su”. Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su là trên 66 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên nghèo hơn 51 nghìn ha. Qua đó, tỉnh đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su cho 17 doanh nghiệp thuê trồng tại 5 huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Grai và Ia Pa.

Kết quả giám sát, tiếp xúc cử tri về tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 tới nay của UBMTTQ tỉnh Gia Lai, việc triển khai dự án đến nay chưa đạt được hiệu quả về kinh tế, an sinh xã hội, mục tiêu đề ra. Việc chuyển đổi theo kế hoạch còn chậm so với cam kết (đến 2015 phải hoàn thành) hiện tại mới chỉ đạt hơn 51%). Một số diện tích sau thu hồi còn để xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa doanh nghiệp và người dân gây bất ổn tại địa phương.

Trong 7 năm qua, với hơn 25.000 ha đã được chuyển đổi trồng cao su nhưng các DN mới tuyển dụng 2.254 lao động dài hạn, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ rất thấp có 777 người (chiếm 8,24%) chủ yếu là các DN thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 tuyển dụng). Một số doanh nghiệp có xây nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện ăn ở chưa đảm bảo, đời sống người công nhân không được cải thiện dẫn đến nhiều người tự ý bỏ về. Đặc biệt, trong giai đoạn khai hoang nhiều doanh nghiệp chở gỗ tận thu, cây giống, phân bón làm hư hỏng đường nhưng đến nay chưa khắc phục đầu tư gây khó khăn cho việc đi lại của người dân...

Trong quá trình triển khai, nhiều DN tự ý chuyển đối mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch, tự ý trồng mía, trồng cỏ, xây trại nuôi bò trên diện tích đất được giao trồng cao su, tình trạng này có xu hướng gia tăng. Khi thực hiện dự án các DN với chính quyền địa phương các sở, ngành của tỉnh chưa có sự phối hợp, thống nhất cao dẫn đến nhiều dự án triển khai không theo kế hoạch.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Lâm Thế Tổng đề nghị UBND tỉnh cần điều tra, khảo sát lại các dự án, phân loại dự án và phương án xử lí dứt điểm. Nếu dự án kém hiệu quả nên thu hồi giao lại đất sản xuất cho người dân thiếu đất; lập phương án trồng rừng thay thế hoặc truy trách nhiệm chủ đầu tư...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi 50.000 ha rừng sang trồng cao su: Doanh nghiệp phớt lờ cam kết với tỉnh