Đó là thông tin được ông Võ Văn Hoan – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết tại diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư 2024 – kỳ 2, chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TPHCM”, sáng 20/9.
Ông Võ Văn Hoan cho hay, thành phố có bước phát triển dài cho công cuộc đổi mới, đồng thời đứng đầu tàu cả nước về công nghiệp, tạo cơ hội đầu tư cho trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đứng trước sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp mới đòi hỏi công nghiệp thành phố phải có bước tiến mới. Cụ thể là phải chuyển đổi theo hướng mới.
Vì vậy, chuyển đổi phát triển công nghiệp được đặt ra, song đi cùng với chuyển đổi công nghiệp là chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng xanh. Đó là mục tiêu, xu hướng phát triển tất yếu không thể không làm. “Công nghiệp phải là công nghiệp mới, năng lượng phải là năng lượng tái tạo. Công nghiệp mới và năng lượng xanh phải đi song song với nhau”, ông Hoan nhấn mạnh.
Lãnh đạo TPHCM cho rằng, có những năng lượng chỉ quốc gia mới giải quyết được và có nhiều dự án đang được bàn và tiếp tục tháo gỡ. Tại TPHCM sẽ phát triển mạnh năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, rác, khí nhiên liệu hóa lỏng,... Dự kiến, thành phố sẽ triển khai 5 nhà máy năng lượng thông qua việc xử lý rác, điện gió Cần Giờ, điện mặt trời mái nhà tại các cơ quan nhà nước,...
Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trên địa ban, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM thông tin, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác – phát điện với mục tiêu có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường, tiết kiệm quỹ đất.
Hiện nay, TPHCM đang đề xuất Bộ Công thương xem xét quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác với công suất đặt đến năm 2030 là 340 MW.
Ngoài ra, TPHCM cũng kêu gọi đầu tư phát triển điện gió Cần Giờ. Hiện đã có một số nhà đầu tư thể hiện mối quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực này. Thành phố đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn triển khai các thủ tục nghiên cứu 2 dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ.
Dự án thứ 1 với quy mô công suất giai đoạn 1 là 1000MW, giai đoạn 2 là 1000MW. Dự án thứ 2 với quy mô công suất là 6000MW, trong đó 4000MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 2000MW cho mục đích sản xuất Hydrogen xanh trong giai đoạn sau 2030.