Ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh từ tư duy truyền thống sang tư duy kinh tế hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng; từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, đồng thời tăng cường áp dụng quy trình, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất.
Ngày 17/3, chia sẻ trong khuôn khổ Triển lãm & Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam 2025) và Triển lãm công nghệ nông nghiệp (Agritechnica Asia 2025) vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định, đây là sự kiện quan trọng để các chuyên gia, nhà sản xuất, nhà đầu tư kết nối, học hỏi và thúc đẩy sáng kiến nông nghiệp bền vững nhằm thích ứng với các điều kiện liên tục thay đổi của sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
“Chương trình này không chỉ nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và nông dân về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà còn khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong nông nghiệp, mở ra cơ hội để phát triển tài năng, trí tuệ”, ông Trần Thanh Nam đánh giá.
Ông Nguyễn Thanh Nam nhấn mạnh về những nỗ lực vượt qua những khó khăn để phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà trong năm 2024. Theo ông, GDP toàn ngành của năm qua đạt 3,3%, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục được mở rộng với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 62 tỷ USD.
Riêng đối với lĩnh vực rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) thông tin, xuất khẩu lĩnh vực này năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD. Ông Nguyên cho rằng, bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành trong những năm tiếp theo trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị trường ngành hoa Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh. Với điều kiện khí hậu thuận lợi và sự đa dạng trong chủng loại, Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng hoa tươi chất lượng cao cho nhiều quốc gia. Nếu tính chung cả giai đoạn 2021-2026, thị trường hoa Việt Nam dự kiến tăng thêm 283,21 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 11,5%/năm.
Theo vị lãnh đạo VINAFRUIT, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày một tăng cao, việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược nhằm bảo đảm sức khỏe, nâng cao tuổi thọ cho mọi người.
“Khi áp dụng phương pháp nêu trên, chúng ta không chỉ bảo vệ môi trường sống xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nguồn nước, đất… mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những giá trị gia tăng bền vững, giữ gìn môi trường sống tốt đẹp cho con cháu mai sau”, lãnh đạo VINAFRUIT mong muốn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam thông tin, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp đang tập trung nguồn lực chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo thông qua tổ chức lại sản xuất, gắn với cơ giới hóa đồng bộ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực. Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng linh hoạt hơn và bền vững hơn.
“Bước đầu ghi nhận những kết quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp xanh nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc… với tỷ trọng ngày càng lớn”, ông Phòng cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn đó nhiều thách thức, những điểm nghẽn trong nỗ lực hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh, vừa ứng dụng cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam.