Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào những ngày họp cuối cùng. Chính những vấn đề nóng hổi của cuộc sống được đem vào nghị trường bằng cách này hay cách khác đã góp phần đưa Quốc hội càng gần hơn với đời sống dân sinh; các ĐBQH vì thế cũng gần hơn với cử tri và nhân dân. Điểm đáng chú ý là rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; đến đầu tư phát triển đều được báo chí nêu câu hỏi và ĐBQH nêu quan điểm trong trả lời, không một chút né tránh.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) phát biểu tại Hội trường, ngày 12/6. Ảnh: Quốc Anh.
1. Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 9-6, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) kể câu chuyện 37 con tàu của ngư dân được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, mà có đến 18 con tàu trong số đó hư hỏng nặng sau một vài chuyến đi biển. Đã có một chiếc phải nằm lại trong lòng biển khơi, số còn lại buộc phải nằm bờ. Ngư dân đóng tàu để vươn khơi, sản xuất và thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vậy mà có vị đại diện của một công ty đóng tàu giải thích tàu hỏng do nước biển mặn.
Bức xúc đến không thể bình luận nổi, ĐB này đã nhấn mạnh đến những sai phạm tưởng chừng đã rõ mười mươi, khi “các bên liên quan trong vụ này vẫn còn đang tranh cãi, thậm chí tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình để mặc những ngư dân càng trở nên khó khăn, nợ ngân hàng đến hạn phải trả nhưng không thể, lãi chồng lên nợ trong khi con đường đòi lại công bằng của ngư dân chắc chắn còn không ít gian nan”.
Trong hội trường Diên Hồng, ĐBQH bức xúc đặt vấn đề với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Còn bên hành lang QH, tỏ ra bức xúc hơn nữa, gay gắt hơn nữa, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) còn thẳng thắn chỉ rõ “phải xem lại vụ việc này có yếu tố phá hoại hay không”.
Đây là chủ trương lớn, QH phải ra nghị quyết. Chủ trương này vừa là yếu tố cần có sự tham gia của người dân cùng bám biển theo nghĩa rộng hơn, bám biển lâu dài, bám xa chứ không phải bám biển ven bờ. Do vậy chủ trương đóng tàu vỏ thép lớn bám biển ở đây còn có ý nghĩa trong bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Ý nghĩa của chủ trương này rất rõ và được sự đồng tình rất cao của các ĐBQH.
Qua câu chuyện những con tàu vỏ thép, qua phản ánh của người dân và qua giám sát của ĐBQH, rõ ràng không thể không nhắc đến yếu tố trục lợi chính sách, kiếm tiền trên sức lao động của bà con ngư dân. Một con tàu vỏ thép tới 20 tỷ đồng, bà con phải làm rất nhiều thủ tục để vay vốn theo Nghị định 67; mà nay đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã hỏng, cho thấy những “lỗ hổng” chính sách đã “đục thủng” vỏ tàu của ngư dân chứ nào đâu phải do nước biển mặn.
Mong rằng ý kiến của ngư dân, của ĐBQH sẽ thấu đến các cơ quan chức năng. Và, Chính phủ sẽ sớm có giải pháp khắc phục; cũng như sớm lôi ra ánh sáng những đơn vị, cá nhân làm sai để xử nghiêm. Quan trọng hơn cả là để ngư dân không còn phải rớt nước mắt vì ước muốn ra khơi không được thực hiện.
2. Kỳ họp thứ 3 cũng là kỳ họp sẽ xem xét những chủ trương đầu tư lớn hướng tới tương lai mà việc tách dự án bồi thường tái định cư sân bay Long Thành (Đồng Nai) thành dự án thành phần Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Kể từ khi Quốc hội khóa XIII cho chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đến nay, vì nhiều lý do, dự án vẫn gần như giẫm chân tại chỗ. Cũng vì lý do này, giờ dự toán cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã tăng chóng mặt. Từ 5.000 tỷ đồng ban đầu, đã tăng lên 18.000 tỷ đồng và giờ là 23.000 tỷ đồng. Những con số khiến bất cứ ai cũng cảm thấy sốt ruột; nhưng nếu không quyết thì bài toán hạ tầng cho khu Nam bộ nói chung và Đông Nam bộ nói riêng sẽ ra sao? Khi mà sân bay Tân Sơn Nhất đã cho thấy khả năng “thất thủ” ngày càng lớn.
Cũng là chuyện sân bay, trong thảo luận tổ và cả bên hành lang Quốc hội, ĐB cũng nói nhiều về vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất. Thiếu tướng Lâm Quang Đại- Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nêu ý kiến: nếu Chính phủ yêu cầu, thì Quân chủng cũng như Bộ Quốc phòng sẽ trả lại sân golf trong khu vực Tân Sơn Nhất, phục vụ cho việc mở rộng sân bay này. Một giải pháp tình thế có thể không phải là cách để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng nó là rất cần thiết vào lúc này.
Gần như không lâu sau phát biểu ấy của Thiếu tướng Lâm Quang Đại, ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa đã nói với báo giới: Việc cần làm bây giờ là xin đề nghị với Chính phủ tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri. Và, Chính phủ nên đứng ra chủ trì, cùng Bộ Quốc phòng và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, các cơ quan nhà nước, nghiên cứu đề xuất của cử tri và nếu thấy hợp lý thì bàn với nhà đầu tư tư nhân bàn giao diện tích này cho sân bay Tân Sơn Nhất.
“Nhà đầu tư nếu có thiệt hại gì thì có giải pháp bù đắp cho họ. Rõ ràng đã đến lúc rồi. Trước đây mình đã cho phép người ta làm, thì giờ điều chỉnh, sửa đổi thì phải đền bù, mặt khác, phải vận động người ta vì lợi ích to lớn hơn của nền kinh tế, thì chính các nhà đầu tư nhân cũng có lợi. Chúng ta cần huy động tinh thần yêu nước của họ”- ĐB Nghĩa nêu quan điểm.
Và trong chiều tối ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng tất cả hoạt động của sân golf này; thuê tư vấn giám sát bên ngoài để thật sự khách quan. Như vậy, vấn đề bàn luận lâu nay đã được giải quyết rõ ràng.
Còn dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 312 ngàn tỷ đồng- một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nợ xấu của chúng ta đã chạm trần thì sao? Các ĐBQH có suy nghĩ gì?
Dù rằng, hiệu quả của dự án Long Thành về lâu về dài là có và có thể còn có hiệu quả rất lớn là đằng khác. Nhưng, dân sẽ không thể chấp nhận tiền thuế của mình chạy vào túi nhóm lợi ích. Điều dân lo xa là có cơ sở, nếu cứ nhìn vào câu chuyện của những con tàu vỏ thép thì đủ thấy.
3. Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã đưa ra những con số biết nói về sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc về bán lẻ toàn cầu. Tổng doanh thu của thị trường này năm 2016 là hơn 108 tỷ USD- một thị trường hiện được xem là miếng mồi béo bở, khiến nhiều ông lớn nước ngoài để ý.
Và thị trường ấy, hiện đã được nhiều ông lớn nước ngoài như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), TTC Holdings (Thái Lan) dòm ngó. Các DN nước ngoài đang dần chiếm thế thượng phong trong thị phần bán lẻ ở Việt Nam, cả ở mạng lưới siêu thị và bán hàng trực tuyến. Thị phần đó cũng không ngừng tăng lên trở thành những con số “đáng để chúng ta suy nghĩ”- ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Đáng chú ý hơn, không chỉ dừng chân ở mảng bán lẻ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lấn sân vào sản xuất, nổi bật nhất là CP (Thái Lan) đã chiếm tới 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà thịt, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi của cả nước.
Băn khoăn, lo lắng về việc mất hệ thống bán lẻ vào tay DN nước ngoài là không quá khó để nhìn thấy. Hàng Việt Nam do đó cũng bị o ép và từng bước bị đẩy ra khỏi hệ thống... Vậy thì, chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam liệu có thể trụ lại bao lâu trong hệ thống siêu thị của các ông chủ nước ngoài!?
“Một thị trường hơn 90 triệu dân, với phần lớn dân số trẻ, sức mua cao đang bị chi phối bởi DN ngoại, hàng ngoại. Người Việt mua hàng ngoại, DN ngoại mua DN Việt là thực trạng mà Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt”- điều mà ĐB tỉnh Bình Dương cảnh báo không biết có làm cho các nhà quản lý giật mình hay không nhưng dường như “quá khó để các DN Việt cứu mình trước những người khổng lồ”.
Vì vậy, ĐB cho rằng cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể hơn giám sát thực hiện các quy định của pháp luật trên thị trường bán lẻ, kịp thời ngăn chặn các hành vi thôn tính, phản cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho DN Việt Nam. Còn bản thân DN Việt thì rất cần liên doanh, liên kết để cạnh tranh với người khổng lồ. “Làm thế nào không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình”.
4. Điểm danh một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống để thấy, cần có một hay nhiều cách giải quyết những đòi hỏi từ thực tiễn. Vấn đề là ở chỗ, có chủ trương đúng nhưng nếu thực hiện không đúng, hoặc hành lang pháp lý lỏng lẻo sẽ là cơ hội để các nhóm lợi ích khía vào. Như vậy chủ trương tuy đúng mà chưa hay trong cách làm sẽ có nguy cơ bị lợi dụng, làm lợi cho cá nhân rất rất nhiều. Đó là điều mà cử tri, nhân dân và ĐBQH đều quan tâm, cảnh báo và chắc sẽ giám sát chặt chẽ.
* Câu chuyện những con tàu vỏ thép, qua phản ánh của người dân và qua giám sát của ĐBQH, rõ ràng không thể không nhắc đến yếu tố trục lợi chính sách, kiếm tiền trên sức lao động của bà con ngư dân. Một con tàu vỏ thép tới 20 tỷ đồng, bà con phải làm rất nhiều thủ tục để vay vốn theo Nghị định 67; mà nay đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã hỏng, cho thấy những “lỗ hổng” chính sách đã “đục thủng” vỏ tàu của ngư dân chứ nào đâu phải do nước biển mặn. * “Một thị trường hơn 90 triệu dân, với phần lớn dân số trẻ, sức mua cao đang bị chi phối bởi DN ngoại, hàng ngoại. Người Việt mua hàng ngoại, DN ngoại mua DN Việt là thực trạng mà Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt”- ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cảnh báo. ĐB cho rằng, bên cạnh chính sách của Nhà nước thì bản thân DN Việt rất cần liên doanh, liên kết để cạnh tranh với người khổng lồ, để không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình. |