Chuyển đổi mạnh cây trồng vùng hạn, mặn

Văn Nhất 18/03/2016 09:05

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông - Xuân 2015-2016, triển khai kế hoạch vụ Hè - Thu, vụ mùa 2016 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, diễn ra sáng ngày 17/3, tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Chuyển đổi mạnh cây trồng vùng hạn, mặn

Diện tích lúa ở khu vực Nam Trung bộ thiệt hại do hạn hán.

Tây Nguyên có 2.865ha lúa dừng sản xuất

Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm cho nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30%, nhiều nơi không có mưa như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa gây khô hạn nặng.

Tính riêng tại khu vực Tây Nguyên, đến thời điểm này, mặc dù chưa vào thời kỳ hạn hán cao nhất, đã có 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất (Gia Lai 2.650 ha, Đắc Nông 215 ha) và 5.800 ha lúa vụ Đông - Xuân bị hạn. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước khoảng 150.000 ha (Đắc Lắc 80.000 ha, Lâm Đồng 32.000 ha…); trong đó, diện tích lúa 13.300 ha, cây trồng cạn (chủ yếu cà phê, hồ tiêu) khoảng 136.000ha.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ Đông - Xuân 2015-2016, vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên gieo sạ 292.380 ha, giảm hơn vụ Đông - Xuân trước gần 20.344 ha; trong đó vùng duyên hải Nam Trung Bộ gieo trồng 214.701 ha, giảm 13.235 ha so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa Đông - Xuân đạt 61,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,798 triệu tấn, giảm khoảng 129.000 tấn so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do nắng hạn nặng tại một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và một số tỉnh Tây Nguyên nên không thể trồng lúa hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác với diện tích hơn 13.936 ha.

Tình hình hạn hán đã ảnh hưởng đến 22.709 ha lúa làm giảm năng xuất. Lúa Đông - Xuân sớm trên chân cao và chân 3 vụ lúa đang chín rộ và bắt đầu thu hoạch, diện tích lúa lúc này đang làm đòng trỗ gặp thời tiết rét lạnh, nhiều đợt rét sâu nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng giảm năng xuất các trà lúa lúc này.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước tưới nên diện tích giao trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 một số cây mà và cây công nghiệp ngắn ngày giảm như: cây ngô giảm 582 ha, sắn giảm 765 ha, mía giảm 426 ha. Ngoài ra, do giá sắn và mía năm nay giảm nên không kích thích người trồng duy trì và mở rộng diện tích gieo trồng.

Lo hạn, mặn vụ tới

Theo Tổng Cục thủy lợi, mùa khô năm nay khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy. Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa, đập tràn đều thấp hơn dung tích thiết kế nên có khả năng xuất hiện khô hạn trên diện rộng và xâm nhập mặn….

Căn cứ nguồn nước hiện có trong các hồ đập chứa, dự báo vụ Hè -Thu đến sẽ diễn ra nắng gắt và thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước tưới, nhiều ý kiến tại hội nghị đã đưa ra như đầu tư cho hệ thống thủy lợi là vấn đề lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai...

Đối với khu vực Nam Trung Bộ, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch để dành cung cấp cho vụ Hè -Thu. Chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết; quản lý chỉ đạo tốt khung thời vụ, tăng cường phòng, chống hạn hán, xâm ngập mặn, đảm bảo cấp nước. Các địa phương vận động nhân dân sản xuất lúa tập trung, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, tăng cường dự tính dự báo, hướng dẫn phòng trừ dịch hại...

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên không được chủ quan trong việc quản lý chỉ đạo sản xuất, nhất là đối với việc phòng chống hạn hán. Trong vụ Đông - Xuân, các tỉnh cố gắng hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với cây trồng.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Các địa phương chú trọng những thông tin về dự báo tình hình diễn biến thời tiết, hạn mặn và dịch hại sâu bệnh, từ đó chỉ đạo sản xuất; đồng thời có kế hoạch tổ chức sản xuất hợp lý từ diện tích, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sinh thái, cơ cấu các giống lúa có năng xuất cao. Trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất các địa phương cần tiếp tục phổ biến các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi đã thành công.

Kon Tum: Lắp đặt 11 điểm cung cấp nước sạch

Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum vừa cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.102 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước. Trước tình hình trên UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố lắp đặt cấp tốc các bồn chứa nước khảng 2.000 lít tại 11 điểm thiếu nước để cung cấp nước ăn và sinh hoạt cho người dân với giá 6.000 đồng/1m3. Nắng nóng cũng khiến hơn 4.102 giếng nước sinh hoạt của người dân bị khô. Tại thành phố Kon Tum có (480 giếng), huyện Ia H’Drai (502 giếng), huyện Đăk Tô (1.644 giếng), Sa Thầy (1.476 giếng). Nhiều khu dân cư, người dân đã phải tìm đến các giọt nước, khe suối không hợp vệ sinh để sử dụng. Đặc biệt, tại TP. Kon Tum gần 300 hộ dân nhiều ngày qua đã lâm vào tình trạng không có nước sạch sinh hoạt, phải mua với giá 100.000 đồng/1m3. Để người dân không bị thiếu nước sinh hoạt UBND tỉnh Kon Tum các huyện, thành phố trích xuất ngân sách hỗ trợ nhân dân triển khai các biện pháp kịp thời phòng chống, ứng phó với hạn hán.

Phạm Hưởng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi mạnh cây trồng vùng hạn, mặn