Dành nhiều năm cuộc đời chỉ để tìm hiểu, phục chế và đan lại những chiếc mũ thời phong kiến xa xưa với niềm tin rằng đó là một nét văn hóa, một phần của cuộc sống cha ông ta, ông Vũ Kim Lộc (sinh năm 1957, hiện ở TP Hồ Chí Minh) được coi là nghệ nhân với nhiều kiến thức sâu sắc.
Ngược dòng thời gian mấy trăm năm trước, dù ít người nhắc tới nhưng mũ đội đầu thực sự là một sản phẩm rất được coi trọng và có cách thức chế tạo vô cùng cầu kỳ, tỉ mỉ. Từ vua cho tới các bậc quan, từ nam cho tới nữ, từ tướng cho tới hoàng thân... đều có những chiếc mũ đội đầu với sự khác biệt của riêng mình. Tất cả đều được ông Lộc tái hiện lại, thậm chí còn viết thành sách để lưu giữ, chia sẻ với đông đảo những người đam mê.
Duyên phận với mũ
Xuất thân là một người thợ kim hoàn quê ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên nhưng từ năm 1976 đã chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Kim Lộc cho biết ông tên thật là Vũ Văn Giót. Ông kể, niềm đam mê với những chiếc mũ bắt đầu từ niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử và những vật dụng của vua chúa, quan lại thời phong kiến xưa. Trước khi đan và phục chế những chiếc mũ ông Lộc từng viết rất nhiều cuốn sách. Trong đó chủ yếu là sách nghiên cứu về văn hóa. Những cuốn sách của ông cũng được đánh giá rất cao và có giá trị nghiên cứu chắc chắn. Đó là cuốn như “Nghề kim hoàn Chăm Pa”, “Cổ vật Chăm Pa”, “Cổ vật huyền bí”... Từ nghiên cứu về văn hóa đời sống kết hợp với nghề kim hoàn, ông Lộc bắt đầu mày mò nghiên cứu tìm hiểu và đan lại những chiếc mũ thời gian trước. Từ năm 2008 tới nay, ông Lộc đã đan được hàng chục chiếc mũ của vua quan thời phong kiến. Trong đó có nhiều những chiếc mũ đội đầu nổi tiếng được truyền tụng trong chính sử và dân gian như mũ Hổ Đầu của Thoại Ngọc Hầu, mũ Xuân Thu thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, mũ Văn Công-Phốc Tròn thời vua Tự Đức...
Theo ông Lộc, duyên phận khiến ông gắn bó với việc phục chế những chiếc mũ bắt đầu từ năm 2008, khi ông có cơ duyên gặp gỡ với ông Phạm Quốc Quân, một lãnh đạo của Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc trò chuyện, khi ông Quân biết ông Lộc đang phục chế một chiếc mũ cổ Chăm Pa có ở thế kỷ thứ 7 thì đã ngỏ ý muốn ông phục chế lại một số chiếc mũ của vua quan triều Nguyễn mà bảo tàng đang lưu giữ. “Khi đó mình vì đam mê và muốn thử thách nên nhận lời chứ không biết rằng phục chế mũ lại khó khăn và phức tạp đến vậy. Có 4 chiếc mũ mà phía bảo tàng giao cho mình lúc ấy với tình trạng rất tệ. Dù mũ được bảo quản trong túi niêm phong cẩn mật nhưng do đã có tuổi đời hàng trăm năm, trải qua nhiều biến đổi thời cuộc, chiến tranh khiến chúng bị hư nát, gãy vụn, rời rạc hoàn toàn. Nhiều chi tiết đính vàng, bạc, châu báu, ngà, sừng... bị mất mát. Cốt khung của mũ cũng không còn vì chúng chỉ là một nhúm những vật liệu của mũ bị vo tròn, thậm chí có chi tiết còn bị mối, côn trùng ăn mòn. Lúc ấy, tôi rất lo lắng và không biết chắc rằng mình có thể phục chế được chúng hay không. Nếu tính toán chi tiết, mỗi chiếc mũ có từ 700 chi tiết khác nhau trở lên với rất nhiều vật liệu khác nhau khiến công việc không hề đơn giản. Hơn nữa, đây đều là những hiện vật được chính quyền cách mạng tiếp nhận từ thời điểm vua Bảo Đại thoái vị năm 1945 và lưu giữ nên giá trị của chúng rất quan trọng. Nói chung là gần như không được để xảy ra sai sót”, ông Lộc kể lại cơ duyên và hành trình bắt đầu phục chế những chiếc mũ của mình.
Cũng theo ông Lộc, sau khi tiếp nhận các hiện vật này, ông đã phải tìm hiểu nhiều sách vở, tư liệu cũng như mời thêm một đồng nghiệp thân thiết để bắt tay vào công việc. Ngoài ra, ông cũng tới những ngôi chùa, đền, công trình văn hóa cổ để chụp hình, quan sát các pho tượng, các công trình văn hóa cũ với mong muốn tăng thêm hiểu biết về văn hóa và họa tiết những chiếc mũ thời gian đó. Sau khi đã có đủ kiến thức, ông bắt tay vào công việc bằng việc làm sạch những chi tiết trong mũ còn sót lại cũng như tạo hình khung cho chiếc mũ đồng thời tìm kiếm, chế tác những chi tiết bị thất lạc, mất mát để đặt chúng ở đúng vị trí cần thiết.
Trăm năm còn mãi
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Kim Lộc cho biết để đan, phục chế một chiếc mũ ông thường mất tới vài năm trời. Ngoài công việc tìm hiểu thật kỹ qua sử liệu, tư liệu thì chất liệu để làm mũ cũng không hề đơn giản. Thời phong kiến ở Việt Nam xưa mũ của tầng lớp vua quan thường được đan bằng lông đuôi ngựa. Đây là chất liệu vừa bền, vừa mát và khá quý vì không dễ dàng để có đủ lông đuôi ngựa cho một chiếc mũ. Nhưng lông đuôi ngựa chỉ là một phần bởi rất nhiều chất liệu, họa tiết văn hóa khác với vàng bạc, ngọc ngà được đính thêm lên mũ. Mỗi loại mũ dành cho từng cấp bậc của thời phong kiến, của từng triều đại đều có sự thay đổi và khác biệt nhất định. Tùy theo cấp bậc, phẩm hàm, dòng tộc mà những chiếc mũ được chế tạo có sự khác biệt. So với trang phục, dù ít người để ý nhưng mũ thời phong kiến lại là công trình chế tác công phu, tinh tế hơn vì mũ để đội trên đầu, là phần cao quý nhất của con người, rất được coi trọng. Nếu mũ của tầng lớp vua quan thời xa xưa được chế tác cầu kỳ một thì ngày nay, để phục chế lại ông Lộc phải mất thời gian gấp nhiều lần bởi nhiều loại vật liệu gần như đã không còn, rất khó để thay thế.
Một trong những chiếc mũ ông từng mất nhiều thời gian công sức để phục chế là mũ Hổ Đầu của thống chế Thoại Ngọc Hầu. Theo quy ước của triều Nguyễn, chỉ những võ quan có hàm từ Tam phẩm trở lên tới Nhất phẩm mới được ban đội loại mũ này. Đây là mũ có màu đen tuyền, xung quanh có rất nhiều họa tiết trang trí nổi bằng vàng thật. Những họa tiết đó là hình hoa cúc, biểu tượng của mặt trời với niềm tin về sự bất tử, ánh sáng và năng lượng tràn đầy. Hai bên chính diện của mũ cũng trang trí hình rồng bằng vàng. Tuy nhiên, rồng trên mũ Hổ Đầu khác với rồng trên mũ của vua đội ở một số chi tiết, đặc biệt là số chân, móng vuốt của rồng. Theo quan niệm, những võ quan này là người gần nhất, thân cận và có công bảo vệ vua nên được đeo mũ có hình rồng, dù khuyết một số chi tiết. Ông Lộc còn cho biết trong thời gian phục dựng mũ Hổ Đầu, ông đã đi ra Huế và gặp được một số người cao tuổi từng có cha ông phục vụ trong triều Nguyễn nên có thêm nhiều kiến thức thực tế cũng như những tư liệu về ảnh, về sách để phục chế mũ. Sau này, công trình phục dựng chiếc mũ Hổ Đầu của ông được đánh giá rất cao, được Hội động khoa học ở An Giang nghiệm thu. Đây cũng là vùng đất mà khi còn sống, thống tướng Thoại Ngọc Hầu ghi dấu ấn đậm nét khi đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình trong công cuộc đào kênh, khai hoang, mở mang bờ cõi cũng như giữ vững biên cương trước những mối đe dọa của ngoại bang.
Nghiên cứu lịch sử, phục chế trang phục hay kiến trúc, ẩm thực, văn hóa thời phong kiến xa xưa thực ra không hiếm, nhiều người đã và đang làm với mục đích lưu giữ, truyền lại cho đời sau những gì tinh tế mà cha ông đi trước từng sở hữu. Thế nhưng lưu giữ và phục chế những chiếc mũ của vua quan triệu Nguyễn như ông Vũ Kim Lộc thì khá hiếm và tới nay, chưa có ai làm được như ông. Dù chưa thể hoàn chế toàn bộ những chiếc mũ từng xuất hiện trong triều đại nhà Nguyễn nhưng những công trình đã hoàn thành của ông Lộc cho người ta có cái nhìn tương đối đầy đủ, nhiều giá trị về thời gian lịch sử nhiều biến động này.
Chia sẻ về kế hoạch hiện nay của mình, nghệ nhân Vũ Kim Lộc cho biết ngoài việc phục chế mũ ông cũng đang dành công sức hoàn thành cuốn sách “Mũ miện triều Nguyễn” với nội dung chủ yếu là nghiên cứu, phục hồi, cách thức chế tác của các loại mũ. Hiện ông đã phục chế được 3 chiếc mũ của vua và 4 chiếc mũ của quan triều Nguyễn trong số các loại mũ mà tầng lớp vua quan từng sử dụng. Ngoài việc phục chế, ông cũng có mong muốn chia sẻ cách phục chế này với các bạn trẻ, sinh viên, người đam mê để mọi người hiểu và có thể tiếp cận được một góc văn hóa về trang phục đội đầu này.