Để việc phục hồi chuỗi sản xuất, kinh doanh trở nên thuận lợi hơn trước xu hướng “sống chung” với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) cần tiếp cận nhanh hơn nữa với công nghệ số trong giai đoạn đầy thách thức này.
Theo số liệu khảo sát mới đây của một công ty nghiên cứu thị trường, tại Việt Nam có 80% người được hỏi cho biết, họ đã giảm tần suất ra ngoài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Song song đó, tần suất sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, tivi tăng, cùng với đó là các dịch vụ trực tuyến như mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến cũng “lấn sân”.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cho thấy, các trang thương mại điện tử cũng dần trở thành một kênh quan trọng với 82% người được hỏi đã từng mua sắm hàng hóa mỹ phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến.
Tìm hiểu của phóng viên đối với một nhóm người tiêu dùng ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai vào cuối tuần qua, đa phần họ cho rằng, giữa mùa dịch Covid-19, yếu tố nhanh, thuận tiện của ứng dụng thanh toán chuyển tiền và thanh toán khi mua sắm trực tuyến đã giúp họ tìm đến các kênh bán hàng trực tuyến nhiều hơn. Hầu hết những người đang sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh bày tỏ sự hài lòng vì giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng khi mua hàng trực tuyến. Kết quả thăm dò cho thấy 69% người sử dụng ứng dụng di động để mua sắm trực tuyến.
Chuyên gia kinh tế quốc tế, TS. Phạm Công Hiệp chia sẻ, nhiều DN đang ứng phó với Covid-19 bằng cách chuyển dịch vụ của mình lên các nền tảng trực tuyến. Cũng theo ông Hiệp, hiện các công ty trong mảng quản lý tòa nhà ở TP HCM gần đây đã kịp thời công bố khởi động các ứng dụng trực tuyến nhằm giúp các quy trình thanh toán, sửa chữa, đăng ký dịch vụ, cứu hộ, cung cấp thông tin.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, DN sớm triển khai công nghệ số sẽ có sức chống chịu tốt hơn trong đợt đại dịch lần này. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung” với đại dịch. Thực tế cho thấy không ít DN trong nước cũng đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịch Covid-19 đợt 4. Không những thế, có nhiều DN vẫn đang chủ động phát huy sáng kiến số hóa để cạnh tranh trong thị trường ngày càng khốc liệt hiện nay. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình công nghệ số.
Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị DN thời trang thuộc Đại học RMIT, nhận định, đại dịch Covid-19 đã thách thức nhiều DN. Các DN buộc phải cân nhắc để thay đổi lối kinh doanh truyền thống, thay vào đó là đầu tư vào công nghệ số để có thể trụ vững.
Theo giới chuyên gia, khi DN chuyển sang giai đoạn “sống chung” với đại dịch thì họ nên sớm đưa ra các giải pháp sáng tạo về mặt công nghệ số để việc phục hồi sản xuất được duy trì một cách bền vững. Các DN cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển tiếp nhằm hoạt động trở lại. Việc đánh giá về thời điểm cũng như phương án để dần đưa nhà máy trở lại hoạt động là một trong những thách thức lớn nhất đối với các DN.
Bên cạnh đó, các DN nên có các tiêu chí để ra quyết định trở lại hoạt động, như việc đảm bảo an toàn và sức khỏe khi đưa người lao động quay lại làm việc cùng các chi phí phát sinh, sắp xếp và đặt tiến độ cho việc tăng tốc sản xuất, làm sao để tối đa hóa doanh thu trong thời kỳ “sống chung” với đại dịch...