Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chuyển đổi số chính là chuyển đổi từ sử dụng, khai thác các tài nguyên tự nhiên sang tài nguyên số. Đây là kho báu rất là lớn mà trong xu thế kinh tế chúng ta phải tận dụng và phải theo xu thế này.
Ngày 6/6, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo ĐB Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng), trong bối cảnh phát triển kinh tế số, xã hội số là xu hướng của thế giới với những cơ hội, thách thức hiện nay. Để cạnh tranh và phát triển, Việt Nam cần có những giải pháp dài hạn, đột phá, sáng tạo, đi tắt đón đầu. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có những giải pháp gì để đưa Việt Nam phát triển?”-ông Tân chất vấn.
Trả lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có một thế mạnh là tiềm năng tự nhiên và con người. Vừa qua Chính phủ dẫn dắt, kiến tạo, tức là Chính phủ phải là người đưa ra chuyển đổi số. Chính phủ phải đầu tiên, sau đó chuyển đổi số từ kinh tế, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số chính là chuyển đổi từ sử dụng, khai thác các tài nguyên tự nhiên sang tài nguyên số. Đây là kho báu rất là lớn mà trong xu thế kinh tế chúng ta phải tận dụng và phải theo xu thế này.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, một mặt cần phải đặt ra các yêu cầu để các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp đều cần phải quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, đó là tài nguyên. Thông qua việc sử dụng các công nghệ phần mềm như trí tuệ nhân tạo, phần mềm liên quan đến ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Chúng ta sẽ xây dựng được ngân hàng về tài nguyên.
Trên cơ sở đó, việc ứng dụng rộng rãi tất cả mọi cấp mọi ngành, các cơ quan Nhà nước, các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương cũng như sự tham gia ứng dụng các thành tựu của kinh tế số trong cung cấp các dịch vụ cũng như trong các giao dịch kinh tế như y tế, ngân hàng, kể cả thương mại điện tử.
“Tôi cho rằng sẽ tạo ra thị trường lớn. Doanh nghiệp cũng cần phải trên cơ sở hợp tác và hội nhập quốc tế, cần xem xét để đưa các sản phẩm này ra thế giới. Nhiều doanh nghiệp của ta đã thành công trong việc đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới và đáp ứng được tính cạnh tranh trên thế giới. Để phát triển kinh tế số sẽ quan tâm đến việc ban hành các cơ sở pháp lý để làm sao triển khai một cách an toàn, đảm bảo các an ninh mạng, đảm bảo an toàn cho các lĩnh vực, đầu tư thật tốt các cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số. trong đó có mạng 4G, 5G, trong đó có hạ tầng liên quan đến trung tâm dữ liệu lớn để lưu trữ, đảm bảo an ninh. Đây là vấn đề có sự phân công giữa Nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp để đầu tư đồng bộ. Trên cơ sở đó kinh tế số sẽ càng ngày phát triển”-Phó Thủ tướng cho hay.