Chuyển đổi số phải đem lại giá trị thiết thực

H.Vũ 15/06/2023 06:25

Chiều 14/6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Phiên toàn thể có chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định mô hình CNH-HĐH của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp (DN) trong nước (bao gồm cả DN nhà nước và DN tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; DN FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình CNH-HĐH.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, trao đổi làm rõ kinh nghiệm của quốc tế về CNH-HĐH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; rút ra các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn đã góp phần làm rõ thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam; những kết quả và hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan về tổ chức thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, CNH-HĐH luôn gắn với tri thức và công nghệ mới, tức là gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp mới. Điều quan trọng là tìm ra cách tiếp cận đúng để biến điểm yếu của mình thành lợi thế trong tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để đẩy nhanh, rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước. Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đang tập trung để xây dựng Luật về phát triển công nghiệp, hướng tới xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực tự cường gắn với đổi mới khoa học công nghệ. Trong khi đó, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn viễn thông công nghiệp Viettel đề xuất cần tạo ra thị trường công nghệ số để giải quyết các vấn đề xã hội; cần có chính sách sử dụng các thiết bị trong nước sản xuất. Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm cho rằng, cần phải phát triển công nghệ lõi, từ đó sẽ giúp cho các DN trưởng thành và phát triển hơn...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực trong phát triển kinh tế và xã hội. Trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm đã đề ra cho năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

Theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh việc xây dựng ban hành tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số. Thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng đột phá. DN trong nước là động lực chính, chủ đạo. DN FDI có vai trò quan trọng đột phá trong điều kiện CNH-HĐH đất nước. Bên cạnh đó, triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, DN nhà nước, DN tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình CNH-HĐH, như năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng... Xác định con người là trung tâm, DN là chủ thể.

Thủ tướng đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng DN cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm, hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu, đạt được những bước tiến mới, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số phải đem lại giá trị thiết thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO