Trong hai ngày 14-15/4, Ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) lần thứ V của ngành giáo dục Hà Nội đã trình bày hơn 2.000 sản phẩm CNTT, hàng trăm bài giảng E-learning, phần mềm dạy học cho thấy xu hướng mạnh mẽ trong chuyển đổi số giáo dục và xây dựng giáo dục thông minh.
Hoạt động trung tâm của Ngày hội là triển lãm các sản phẩm, các hoạt động về ứng dụng CNTT, giải pháp CNTT đã được áp dụng thành công tại các đơn vị trường học Thủ đô.
Có 70 gian trưng bày, trong đó có 30 gian của các phòng GDĐT, 16 gian của các cụm các trường THPT, ba gian của cụm trung tâm GDNN- GDTX và một cụm trường mầm non chuyên biệt trực thuộc Sở cùng với các đơn vị đối tác hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Mỗi gian tham gia triển lãm đều được chuẩn bị công phu, sáng tạo, mang nét đặc trưng của từng đơn vị, từng ngành học, cấp học trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, thời gian qua, các phòng GDĐT quận, huyện thị xã cùng các nhà trường từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT đã chủ động trong việc xây dựng phong trào ứng dụng CNTT, thúc đẩy sự sáng tạo của cả thầy và trò trong việc áp dụng các công nghệ giáo dục mới.
Một số khó khăn còn tồn tại hiện nay đó là phần lớn giáo viên và cán bộ quản lý chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về các xu hướng giáo dục thông minh nên việc triển khai chưa được đầy đủ và bài bản; chưa có sự tham gia tích cực và thiếu kết nối giữa đội ngũ các chuyên gia giáo dục, chuyên gia sư phạm và chuyên gia công nghệ.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về việc đánh giá chất lượng các bài giảng theo công nghệ giáo dục mới chưa được định nghĩa tường minh và đầy đủ. Kinh nghiệm giảng dạy và kho dữ liệu bài giảng điện tử chưa được chia sẻ rộng rãi giữa các trường, giữa các đồng nghiệp giảng dạy tại các quận, huyện, thị xã ở các khu vực khác nhau.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT ở nhiều nơi còn thiếu đồng bộ. Việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được chú trọng. Nhân lực CNTT của các trường và các phòng GDĐT về cơ bản còn thiếu và phải kiêm nhiệm.
Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế, ngành giáo dục thủ đô xác định cần nâng cao nhận thức chung từ các cán bộ quản lý các phòng GDĐT, cho đến hiệu trưởng các trường và đội ngũ giáo viên, nhân viên về xu thế giáo dục thông minh, và sự cần thiết phải chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục thông minh.
Cần phải cụ thể hóa các mục tiêu đổi mới giáo dục, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng bài giảng điện tử của từng giáo viên trong việc áp dụng phương pháp dạy học thông minh. Phấn đấu mỗi trường có ít nhất một lớp học thông minh bằng cách xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp. Từ đó làm cơ sở mở rộng quy mô trong trường, tiến tới xây dựng trường học thông minh toàn diện.