Để giúp người dân hiểu rõ hơn về những thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành y tế, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế).
PV: Xin ông cho biết quá trình chuyển đổi số trong việc khám, chữa bệnh thời gian qua diễn ra như thế nào?
PGS. TS Trần Quý Tường: Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội, đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện, 704 trung tâm y tế huyện… Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% các bệnh viện có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), 20 bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước hình thành bệnh viện thông minh. Đến nay có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Bộ Y tế đã và đang xây dựng Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm; Hệ thống quản lý chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh,…
Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống, dịch bệnh Covid-19; Huy động được hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia (VNPT, Viettel, SOVICO, FPT, DTT, …) với hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Ông có thể cho biết một số đánh giá về hiệu quả của quá trình chuyển đổi số tại các sơ cở khám, chữa bệnh?
Theo tôi, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, mang lại nhiều lợi ích cho các bên, góp phần hiện đại hóa việc cung ứng các dịch vụ, trong đó các hoạt động của đơn vị được công khai, minh bạch, giảm phiền hà, giảm thủ tục hành chính, mọi người dân đều có thể cùng giám sát. Thời gian đầu, một số đơn vị còn e ngại, nhưng hiện nay tất cả các đơn vị trong ngành y đều có mong muốn và quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số y tế
Khi ngành y tế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng hơn thông qua tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việc này, giảm phiền hà cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người dân sẽ được theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục suốt đời thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử và được tư vấn sức khỏe tốt hơn, hiệu quả hơn thông qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số của ngành y vẫn còn chậm. Đơn cử, người dân đi khám bệnh tại nhiều nơi vẫn phải dùng sổ khám, chữa bệnh giấy. Ông có thể lý giải nguyên nhân?
Mặc dù đã triển khai hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng người dân khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại một số bệnh viện lớn tuyến trung ương, tuyến tỉnh vẫn phải mang theo sổ khám bệnh, chữa bệnh giấy do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại bệnh viện.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai mã định danh y tế, cho nên việc xác định hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên hệ thống gặp nhiều khó khăn. Khả năng kết nối liên thông dữ liệu giữa hồ sơ sức khỏe điện tử và HIS, bệnh án điện tử còn hạn chế do thiếu các tiêu chuẩn kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế; Thiếu sự thống nhất về bộ danh mục dùng chung, bộ thuật ngữ lâm sàng.
Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần sớm đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin; cũng như phải thay đổi quy trình nghiệp vụ của bệnh viện khi tiếp đón người bệnh; Thay đổi thói quen làm việc của nhân viên y tế.
Trân trọng cảm ơn ông!