Giao thông

Chuyển đổi xe điện phải hướng về người dân

THÀNH LUÂN 26/07/2025 09:40

TP Hà Nội và TPHCM đang tiến đến “cuộc cách mạng xanh” khi đặt mục tiêu chuyển đổi hàng vạn xe máy xăng sang xe điện. Đây là một bước đi tất yếu trong chiến lược phát triển giao thông bền vững. Nhưng bên cạnh khí thải được cắt giảm, làn sóng chuyển đổi này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về hạ tầng sạc, chi phí đầu tư, xử lý pin thải và khả năng thích ứng của hàng trăm nghìn lao động.

Cả Hà Nội và TPHCM hiện đang phải đối diện với mật độ xe máy cao và khí thải dày đặc, do đó cần đi đầu trong chuyển đổi này. Tuy nhiên, bài toán không đơn thuần chỉ là thay đổi phương tiện với cả 2 đô thị lớn nhất của cả nước. Đối với TPHCM, việc đặt mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe máy trong vòng 4 năm, cùng lộ trình cấm xe xăng từ năm 2029, là một cam kết đầy tham vọng. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng sạc, nguồn cung xe, pin, tài chính và pháp lý, chuyển đổi này có nguy cơ gây tác động trái chiều, ảnh hưởng sinh kế và làm gia tăng áp lực lên các nhóm yếu thế - đặc biệt là đội ngũ tài xế công nghệ, giao hàng.

Một trong những mối lo lớn là bài toán xử lý pin thải. Ước tính khi 400.000 xe được thay thế, hàng trăm nghìn viên pin lithium-ion sẽ đến hạn sau vài năm vận hành. Nếu không có quy trình thu gom, tái chế bài bản, nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại ra môi trường là rất rõ ràng. TPHCM đã có động thái đúng đắn khi đề xuất xây dựng trung tâm tái chế pin đạt chuẩn, có công suất xử lý 3.000 tấn/năm và hợp tác với đơn vị tái chế quốc tế Li-Cycle. Tuy vậy, điều quan trọng hơn là phải thiết lập một chuỗi khép kín - từ thu hồi, phân loại đến tái chế - với trách nhiệm ràng buộc rõ ràng cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông.

Cũng cần nhìn nhận, cả Hà Nội và TPHCM hiện nay chưa có khung pháp lý riêng cho chu trình xử lý pin thải. Nếu không ban hành sớm tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế kiểm soát minh bạch và phân công trách nhiệm cụ thể, rác thải pin sẽ trở thành “bóng đen” trong cuộc cách mạng xanh của cả 2 “siêu độ thị” này. Kinh nghiệm từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ hay Indonesia cho thấy, yếu tố thành công không chỉ là công nghệ, mà là việc xây dựng lộ trình minh bạch, đi kèm truyền thông hiệu quả và hỗ trợ tài chính thực chất. Những mô hình như “điểm thưởng xanh”, “gói vay vi mô”, hoặc “vùng phát thải thấp” đang được TPHCM đưa vào đề án là bước đi tích cực, nhưng cần giám sát thực thi nghiêm túc, công bằng.

Hai “siêu đô thị” Hà Nội và TPHCM đang đi trên một hành trình khó nhưng cần thiết. Chuyển đổi xe xăng sang xe điện không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là phép thử năng lực quản lý đô thị, phối hợp liên ngành và tầm nhìn phát triển bền vững. Muốn thành công, các đề án chuyển đổi xanh không thể chỉ dừng ở mức “nghiên cứu”, mà cần một cơ chế hành động rõ ràng, gắn kết giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền. Không nên chạy theo “số lượng” chuyển đổi trong thời gian ngắn, mà cần đảm bảo chất lượng chuyển đổi, giải quyết triệt để các điểm nghẽn như hạ tầng, tài chính và xử lý pin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi xe điện phải hướng về người dân