Bây giờ, cái cây cau cao vút ở góc sân nhà tôi đã không còn nữa. Chỗ đó đã nhường chỗ cho màu xanh um của cây vú sữa. Dưới gốc cau là một chum tương lớn, con mèo mướp của tôi hay nằm ở đấy phơi nắng và rình bắt chim sẻ. Những ngày nắng hanh hao cuối năm, đàn chim sẻ làm tổ trên ngọn cau thường sà xuống kiếm những hạt thóc, mẩu ngô đàn gà ăn còn sót lại.
Ngay từ lúc bé tí mới được mua về thì con mướp của tôi đã tỏ ra vô cùng nhanh nhẹn, tôi tập cho nó bắt chuột bằng cách buộc một cục len xám giống y như con chuột thật vào một cái dây, kéo chạy khắp sân nhử nó đuổi theo. Nó bé tí nhưng tỏ ra rất chuyên nghiệp, vờn, vồ, chụp, cắn… cục len y như một con chuột thật. Dù chỉ chạy qua chạy lại trong buồng và dưới bếp nhưng con mướp cũng khiến lũ chuột chạy mất tăm. Nó có tật xấu là rất hay tò mò hít ngửi nên những hôm nhà có cỗ, chúng tôi phải nhốt nó vào lồng, lúc ấy nó bồn chồn đi lại, luôn mồm meo meo thảm thiết tìm lối thoát ra ngoài. Sau khi đã chán chê mọi cách bất thành, nó đành ngồi đó nhìn tôi với đôi mắt tròn buồn thiu và cái đầu nghẹo trông rất tội nghiệp.
Chỉ một thời gian ngắn, con mèo mướp của tôi đã ra dáng là một cậu thanh niên choai choai có bộ lông óng mượt và những móng vuốt sắc nhọn. Cái đuôi dài hay dựng đứng và xù lên to tướng mỗi lần con chó vện nhà hàng xóm đi qua. Nó nhe răng gầm gừ lông xù lên trông cũng dữ tợn ra phết, khiến con chó vện ngán ngẩm bỏ đi chơi chỗ khác. Chẳng có lũ chuột để đuổi bắt nên nó luôn dành thời gian cho việc lim dim ngủ gật dưới gốc cau, bên cạnh cái chum tương luôn ngập đầy nắng ấm. Chỗ ấy có lũ chim sẻ nâu hay la đà nhảy nhót trên những mẹt cau đang phơi. Thấy lũ sẻ ríu rít đông vui và bận rộn lại có vẻ “lấn sân” nên con mướp hay hầm hừ tỏ ý khó chịu.
Chơi suốt ngày chắc cũng buồn, có lần “rảnh rỗi sinh nông nổi”, nó nhảy cả vào chậu nước thả đôi cá vàng bố tôi nuôi làm cảnh để bắt. Đấy là đôi cá vàng rất đẹp có đôi mắt lồi và những cái vây mềm mại lúc nào cũng như đang múa, hôm ấy bố tôi thay nước bể cho cá nên thả tạm chúng ra chậu. Loáng mắt đã không thấy con cá đâu, chỉ thấy vệt chân con mướp ướt sũng chạy ra từ chậu nước. Hôm đó con mướp được một trận đòn tơi tả và phải nhịn cơm chiều, chả hiểu nó có biết tội lỗi tày đình nó đã gây ra cho con cá vàng tội nghiệp hay không nữa.
Bẵng đi một thời gian, mướp ta đã chính thức trở thành một tên mèo biết làm dáng, suốt ngày liếm láp bộ lông bóng mượt, những móng vuốt sắc nhọn chỉ để cào vào gốc cau sồn sột. Hình như nó vẫn chưa vồ được con chuột nào thì phải. Sau vụ bắt cá vàng và được một trận nên thân thì nó đã thôi không dám dòm ngó bể cá. Chỉ còn tật rình bắt chim thì vẫn không bỏ được. Nó có vẻ không ưa lũ sẻ cho lắm nên hay giả vờ ngủ say nằm phủ phục dưới gốc cau nhưng kỳ thực là chờ cơ hội để lao ra vồ chim sẻ.
Thỉnh thoảng nó lại làm mẹt cau khô đang phơi đổ lỏng chỏng xuống đất sau những cú phi thân. Nhưng lũ chim sẻ tinh ranh thừa biết có tên mèo vờ ngủ bên chum tương đang rình rập nên vô cùng cảnh giác, chớp cái sà xuống, chớp cái lại bay lên ngay. Con mướp chắc xấu hổ với màn rượt đuổi không đạt được kết quả gì nên cũng “sĩ diện” muốn “thể hiện tài năng”.
Một lần nó quyết chí trèo lên tổ chim trên ngọn cau định bắt chim non cho bằng được, rủi cho nó hôm ấy gió to quá, cây cau lắc lư nghiêng ngả khiến nó sợ hãi không dám trèo tiếp lên mà cũng không xuống được. Nó ôm chặt thân cau kêu gào thảm thiết, tôi đành phải mượn cái thang dài bắc lên để nó trèo xuống. Con mướp sau hôm đó chỉ dám lườm bọn chim sẻ từ xa, thỉnh thoảng chạy lại cào sồn sột vào gốc cau như thể ta đây anh hùng lắm.
Tết đến rồi, con mướp dù là một “anh hùng rơm” chính hiệu nhưng vẫn luôn bảo vệ những túi cau khô của mẹ được an toàn không bị chuột cắn. Trong bếp, đậu xanh, lá dong, gạo nếp, măng miến… chất đầy, khiến lũ chuột khóc ròng. Những đêm tháng Chạp rét tê tái, tôi ngồi học bài mà hai chân giá như cái kem, tự nhiên có vật gì mềm mềm ấm ấm cọ vào chân, thì ra là con mướp đã lẻn vào từ lúc nào, nằm dưới chân tôi, ấm áp như một cái lò sưởi.
Dạo này con mướp có biểu hiện của sự rong chơi, có khi nó đi tít mít đến tận sáng mới về rồi ngủ ngoài sân. Nó có kết thân với con mèo trắng nhà xóm bên nên thỉnh thoảng sang chơi bên ấy. Mẹ dặn tôi cuối năm rồi, cần nhốt con mướp lại không cho đi chơi rông vì cánh bợm nhậu sẽ nhân dịp năm sắp hết mà trộm mèo làm thịt ăn, trong xóm đã có mấy nhà bị mất mèo. Chỉ mới nghĩ đến việc con mướp biến thành món nhậu tôi đã thấy hoảng sợ, nên chiều tối buộc nó vào cột nhà hoặc cho vào buồng ngủ đóng chặt cửa lại, nhưng nó có vẻ không thích nên tìm mọi cách phóng ra sân rồi nhảy qua tường, phi sang vườn nhà hàng xóm.
Sáng 27 Tết, tôi đang chờ được mẹ cho đi chợ phiên cuối năm sắm quần áo mới thì chẳng thấy con mướp đâu, mọi khi giờ này nó vẫn nằm dài chỗ chum tương đầy nắng. Chả hiểu nay nó lại biến đi đâu. Tôi đi tìm nó khắp nhà trên nhà dưới, ngoài vườn cũng không thấy, sang nhà hàng xóm gọi mãi mà nó vẫn bặt tăm. Tôi lo sợ nghĩ hay nó bị bắt mất rồi nên vừa gọi mà nước mắt cứ chảy vòng quanh. Tối hôm đó và cả hôm sau nữa nó cũng không về dù mẹ tôi có sang xóm bên tìm nó. Lũ chim sẻ phấn khởi và thoải mái ra mặt, chúng sà xuống tận chân cây rơm tìm thóc mà chả lo bị vồ đuổi.
Vắng con mướp mới có vài hôm mà lũ chuột đã ngấp nghé ngoài vườn, có khi chúng đang lăm le dòm ngó gian bếp rồi cũng nên. Tôi đã được mẹ mua cho quần áo mới và ngày mai cả nhà sẽ gói bánh chưng. Nghĩ đến con mướp tôi thấy giận nó ghê gớm, chả biết giờ này nó đang ở đâu. Đêm hôm ấy, tôi vừa mơ thấy nó về, cuống quýt quấn lấy chân tôi, nhưng chưa kịp mừng thì đã tỉnh giấc… Không phải… chao ôi là buồn!
Chiều 30 Tết, khi cả nhà đang chuẩn bị ăn cỗ tất niên thì con mướp ở đâu chạy về với điệu bộ hoảng hốt. Bộ lông mượt của nó xơ bết lại nhìn gầy gò trông thấy, trên cổ nó có một vết xước dài. Xem ra chuyến du hành cuối năm của nó không suôn sẻ cho lắm. Chắc có ai đó đã bắt nó nhốt lại và nó vừa xổng được ra để tìm đường chạy về nhà. Ngay lập tức con mướp được cho ăn đủ thứ, nào là đầu, cổ gà, một miếng giò, một miếng nem rán và một chút thịt đông. Nó ăn ngấu nghiến như bị đói đã lâu lắm rồi.
Hình như nó cũng không biết lỗi khi để cả nhà lo lắng đi tìm trong lúc ai cũng bận rộn dọn dẹp nhà cửa, ngâm gạo, rửa lá để nấu bánh chưng mà nó mải đi rông đến nỗi suýt không được về nhà ăn tết. Đêm ấy, nó lại lén chui vào chỗ tôi đang ngồi, như thể không có chuyện gì xảy ra, nằm cuộn tròn dưới chân làm lò sưởi cho tôi mà chẳng cần rình chuột trong bếp. Chỉ có vậy, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm và bỏ qua lỗi lầm cho nó dù thừa biết nó vẫn chỉ là một tên mèo lười biếng, ham chơi, chỉ chăm đi rình bắt chim sẻ.