Lần đầu tiên trong lịch sử, tòa nhà Quốc hội của Mỹ bị tấn công bởi sự mất kiểm soát của những người biểu tình. Cuộc bạo động là đỉnh điểm của nhiều tháng chứng kiến sự chia rẽ và leo thang xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11/2020, với việc Tổng thống đương nhiệm Donald Trump liên tục đưa ra tuyên bố cuộc bỏ phiếu đã bị gian lận.
Biểu tình bạo động, xâm phạm tòa nhà Quốc hội Mỹ
Chiều ngày 6/1/2021 (giờ Mỹ), cuộc biểu tình ôn hòa ở thủ đô Washington đã biến thành một cuộc bạo động khi hàng trăm người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump xông vào Điện Capitol, nơi các nhà lập pháp đang có phiên thảo luận đầu tiên để chứng nhận kết quả bỏ phiếu của Cử tri đoàn.
Những người biểu tình leo trên các công trình được thiết kế cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến sẽ diễn ra trong hai tuần tới.
Cảnh tượng hỗn loạn diễn ra trước khi hàng loạt người biểu tình tràn vào Điện Capitol, tiến vào các phòng đã bị bỏ trống của Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Tất cả các nhà lập pháp đã được di chuyển khỏi Điện Capitol và đến các khu vực an toàn.
Các báo cáo vào cuối ngày 7/1 cho thấy có 4 người đã thiệt mạng sau vụ bạo động, trong đó có một cựu nữ quân nhân đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ 15 năm.
Bạo lực bùng phát chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump kêu gọi những người biểu tình ở Washington DC bày tỏ sự phản đối đối với kết quả của cuộc bầu cử Mỹ và quy trình chứng nhận theo dự kiến sẽ diễn ra trong ngày.
Một số quan chức của Chính phủ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi những người biểu tình rời khỏi Điện Capitol và tiếp tục các cuộc biểu tình hòa bình, văn minh.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden coi sự kiện không phải là cuộc biểu tình mà là một “cuộc nổi dậy”. Ông cho rằng vụ xâm phạm Điện Capitol là một cuộc tấn công vào nền pháp quyền và dân chủ, đồng thời kêu gọi những người biểu tình chấm dứt cuộc bao vây của họ.
“Xông vào điện Capitol... đe dọa sự an toàn của các quan chức được bầu hợp lệ, đó không phải là một cuộc biểu tình, đó là một cuộc nổi dậy. Nền dân chủ của chúng ta đang bị tấn công chưa từng có, không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã thấy trong thời hiện đại. Một cuộc tấn công vào thành lũy chính của tự do, Điện Capitol” - ông Biden nói trước khi kêu gọi ông Trump giải quyết vấn đề quốc gia và kêu gọi chấm dứt cuộc bao vây Capitol.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sau đó đã nhiều lần nhắc nhở những người biểu tình hãy hành động một cách hòa bình.
Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố bắt đầu từ 18h ngày 6/1 (giờ Mỹ). Lực lượng Vệ binh Quốc gia, các nhân viên FBI và Cơ quan Mật vụ Mỹ đã được triển khai để giúp cảnh sát trấn áp các hành vi vi phạm tại đồi Capitol. Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát đã đẩy người biểu tình ra khỏi điện Capitol sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.
8h sáng ngày 7/1 (giờ Việt Nam), các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ đã được triệu tập trở lại để tiếp tục chứng nhận kết quả bầu cử, sau khi lực lượng cảnh sát tuyên bố Điện Capitol đã an toàn 2 giờ trước đó.
“Đối với những người đã tàn phá điện Capitol ngày hôm nay, các bạn đã không giành chiến thắng. Hãy quay trở lại làm việc”- Phó Tổng thống Mike Pence nói khi tiếp tục chủ trì phiên họp của Thượng viện.
Trước đó 1 ngày, các kênh truyền thông lớn của Mỹ loan tin, ứng cử viên Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Jon Ossoff đã đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa David Perdue trong cuộc đua quan trọng tại bang Georgia.
Như vậy, đây là chiến thắng thứ hai của đảng Dân chủ trước đảng Cộng hòa khi trước đó ứng cử viên Dân chủ Raphael Warnock cũng đánh bại ứng cử viên Cộng hòa Kelly Loeffler.
Thế giới lên tiếng
Trận” bão” lớn chưa từng có tại tòa nhà Quốc hội Mỹ đã gây ra phản ứng trên toàn thế giới, khi các nhà lãnh đạo thế giới lên án bạo lực ở Washington và kêu gọi người biểu tình rời khỏi tòa nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên bình luận về sự kiện này. Ngày 7/1 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng trước tình hình bạo lực tại tòa nhà Quốc hội Mỹ và kêu gọi các bên hãy hành động có ý thức. Bộ Ngoại giao Đức cũng kêu gọi các công dân Đức ở thủ đô Washington tránh xa trung tâm thành phố, đặc biệt là khu vực gần tòa nhà Quốc hội Mỹ.
“Tuân thủ lệnh giới nghiêm và tránh đến trung tâm thành phố, đặc biệt là khu vực đồi Capitol. Cuộc biểu tình rất có thể tiếp tục. Bạo lực, bao gồm cả việc sử dụng súng, có thể xảy ra” - trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, bạo lực bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ là sự việc “đáng hổ thẹn” và kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực “hòa bình và có trật tự” ở Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự lo ngại khi các sự kiện bạo lực đang diễn ra tại Điện Capitol của Mỹ, nhưng ông hy vọng tình hình nhanh chóng trở lại bình thường. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 ở Mỹ cần được tôn trọng và coi sự bạo lực đang diễn ra bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ là “gây sốc”.
Hội đồng nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE PA) cũng lên án bạo lực ở Washington và kêu gọi tôn trọng các quy trình dân chủ. Người đứng đầu Nghị viện châu Âu David Sassoli tin tưởng rằng, Mỹ có khả năng bảo vệ các giá trị dân chủ của mình.
Theo Hiệp hội Lịch sử điện Capitol Mỹ, đây là cuộc tấn công gây thiệt hại lớn nhất vào tòa nhà mang tính biểu tượng kể từ khi quân đội Anh đốt tòa nhà vào năm 1814.
Sau khi bị gián đoạn bởi cuộc biểu tình bạo loạn ngay tại Điện Capitol, 16h chiều 7/1 (giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng đã hoàn tất quá trình đếm phiếu đại cử tri, qua đó xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ.
Kết quả kiểm phiếu đại cử tri cho thấy ông Biden đã vượt qua mốc 270 phiếu cần thiết để trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng thay thế cho ông Donald Trump, trong một cuộc bầu cử chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Cụ thể, theo công bố của Phó Tổng thống Mike Pence, ông Joe Biden giành được 306 phiếu Đại cử tri, trong khi đương kim Tổng thống Donald Trump có 232 phiếu. Như vậy, ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.