Cần phải thêm UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia giám sát đối với tài sản thu nhập của những đối tượng buộc phải kê khai tài sản, một chuyên gia luật kiến nghị về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường trong những ngày tới.
Ngoài những đơn vị giám sát như các phương án trình Quốc hội, cần phải thêm UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia giám sát đối với tài sản thu nhập của những đối tượng buộc phải kê khai tài sản.
Theo luật sư Giang, vai trò của nhân dân rất quan trọng. Có sự giám sát thường xuyên và đột xuất của cơ quan này mới đảm bảo quyền giám sát của nhân dân.
Bà Giang cho rằng, các bản kê khai tài sản cần phải công khai tại nơi cán bộ công chức đó sinh sống chứ không phải công khai chỉ tại cơ quan.
Người dân sống gần mới biết được vị cán bộ đó sống như thế nào, có tài sản ở những đâu nên người dân có thể giám sát và phát hiện ra dối trá, tiêu cực từ đó.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng: Đã nói công khai thì phải đúng với nghĩa của nó, nôm na là phải khai hết ra trước công chúng. Đã công khai, minh bạch thì có gì phải giấu. Vì vậy công khai trên các trang thông tin điện tử thì có vấn đề gì đâu, nước ngoài họ vẫn làm thế.
Kê khai mà công khai hạn chế không thể gọi là minh bạch được, vì lấy gì để đảm bảo rằng một người lãnh đạo chỉ công khai bản kê khai trong cơ quan của người đó là minh bạch, khi trong cơ quan đó có quan hệ giữa lãnh đạo, nhân viên, những người làm việc hằng ngày với nhau.
"Tôi có tài sản gì, từ đâu mà có, thu nhập thế nào, tôi sẵn sàng công khai, minh bạch hết, có gì đâu mà ngại" - ông Hạ khẳng định.