Chuyên gia lý giải về màu sơn mới của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

Hoàng Vân 16/04/2023 12:21

Quá trình tu bổ, tôn tạo màu sắc công trình biệt thự cổ ở 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) tạo nên một vài tranh cãi. Không ít ý kiến nhận định màu vôi đỏ trên nền vàng đang sử dụng là quá rực rỡ, thiếu tính thẩm mỹ.

Màu vôi khó ưa?

Diện mạo mới của căn biệt thự cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. Ảnh: MXH.

Quá trình trùng tu biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Sau 1 năm trùng tu, bảo tồn, biệt thự đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài và đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án.

Căn biệt thự từng được phong là "biệt thự ma", bị bỏ hoang giữa đất vàng nhiều năm nay được hồi sinh, lột xác một cách ngoạn mục. Bên cạnh những lời khen, công trình cũng tạo nên không ít ý kiến tranh cãi trái chiều. Giới chuyên gia về kiến trúc và bảo tồn di sản đều đang có nhiều ý kiến về màu vôi của căn biệt thự cổ này.

Mức độ phản ứng khác nhau tùy vào độ hiểu biết về chuyên môn cũng như dự án này, người gay gắt, người ôn hòa hơn, nhưng đa số đều không "ưa" màu vôi của công trình đang được hoàn thiện.

Công trình trước và sau khi được tu bổ, tôn tạo gây nên tranh cãi.

Trước những phản ánh về màu vôi công trình, nhà báo, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ quan điểm với PV Báo Đại Đoàn Kết Online: Nếu ai đó nói mầu sơn đỏ trên nền vàng quá rực rỡ, thiếu tính thẩm mỹ là chủ quan. Nó rực rỡ và thiếu tính thẩm mỹ với người này nhưng lại đẹp với người khác. Nếu công trình sơn như nguyên gốc thì sao? Chuyện này cũng giống như quét vôi Tháp Rùa năm 1992. Người ta đang quen mắt nhìn tháp cũ kỹ, rêu phong bỗng nhìn thấy một tháp rùa sáng bừng thế là bàn tán. Theo thời gian lớp vôi bị mưa nắng làm cũ đi, và thế là hết... xì xào.

“Khi phục dựng, tôn tạo công trình này, chủ đầu tư không dại gì thay đổi làm khác nguyên gốc để chịu búa rìu dư luận. Việc tìm hồ sơ gốc của công trình 49 Trần Hưng Đạo không khó vì Trung tâm lưu trữ Quốc gia lưu trữ gần như đầy đủ những thiết kế các công trình kiến trúc trước 1954. Tôi nghĩ họ phục dựng, tu bổ chắc như nguyên gốc”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Sẽ thay đổi theo thời gian?

TS.KTS Lê Phước Anh cho rằng, màu sắc của công trình đã thay đổi theo thời gian là có lý của nó.

Trao đổi thêm với PV Báo Đại Đoàn Kết Online về về cách tiếp cận trong bảo tồn công trình, TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, sự xung đột giữa màu vôi và bối cảnh khiến việc phục dựng màu sắc ở công trình cổ 49 Trần Hưng Đạo gây tranh cãi.

TS. KTS Lê Phước Anh cho rằng, khách quan mà nói ở Hà Nội đa số những công trình thời Pháp thường có màu sắc nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn dễ chịu. Thời điểm ban đầu một số ngôi nhà có thể có màu sắc khác do được bê nguyên xi từ mẫu quốc, nhưng theo thời gian những màu sắc này không còn phù hợp với Hà Nội.

Theo T.S KTS Lê Phước Anh, trừ một số di sản lịch sử đặc biệt, không phải công trình nào cũng nhất thiết cần bảo tồn nguyên gốc như thời điểm ban đầu. Việc các chủ nhà về sau thay đổi màu vôi bên ngoài cũng có cái lý riêng của họ, chẳng hạn phản ánh mong muốn công trình hài hòa hơn với khung cảnh, khí hậu, văn hóa xã hội. Những điều này cũng xứng đáng được tôn trọng.

Công tác bảo tồn gây ra những xung đột về quan điểm ở các mức độ khác nhau cũng là điều bình thường ngay cả trên thế giới. Tuy nhiên trong trường hợp ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, các ý kiến trái chiều về việc phục dựng màu sơn cũ cho thấy công tác truyền thông để giải thích cho dư luận dường như chưa được làm tốt và khá bị động. Rất nhiều người dân vì vậy cảm thấy bị sốc. Nếu việc thông tin về quá trình bảo tồn này được thực hiện chủ động và đầy đủ hơn, chắc chắn chúng ta sẽ không có những tranh cãi như vừa rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia lý giải về màu sơn mới của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO