Nợ công của nước Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng khi Nhà Trắng thực thi các cuộc cải cách tái cấu trúc về chi tiêu, cựu cố vấn Liên minh châu Âu (EU) Paolo von Schirach nhận định trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik.
Ảnh minh họa.
"Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump hay Quốc hội Mỹ muốn gỡ bỏ các chương trình là nguyên nhân của sự bất cân bằng tài chính có hệ thống" - ông Schirach, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu và Giáo sư giảng dạy tại ĐH Quốc tế BAU tại Washington, nhận định.
Nợ công của Mỹ đã chính thức cán mốc 20 nghìn tỷ USD sau khi Tổng thống Donald Trump ký một dự luật ngừng mức trần nợ công cho đến ngày 8/12 tới, cho phép Bộ Tài chính nước này vay thêm tiền từ nay cho đến lúc đó.
Theo ông Schirach, việc vay mượn số lượng lớn hiện đang nằm trong cấu trúc căn bản của chính trị và xã hội Mỹ. "Thâm hụt đã trở thành hệ thống. Và hậu quả là, nợ công quốc gia cứ tăng lên, từng năm một", vị chuyên gia nhận định.
Vấn đề nợ công Hoa Kỳ không có dấu hiệu tích cực trong thời gian trước mắt. Ngân sách năm tài chính 2017 sẽ kết thúc vào ngày 30/9, và theo dự kiến sau đó chính phủ sẽ phải chịu thêm một khoản thâm hụt 700 tỷ đô la nữa vào tổng số nợ công hơn 20 nghìn tỷ đô hiện tại.
Khoản nợ của quốc gia này đã vượt quá tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, được ước tính là khoảng 19,23 nghìn tỷ USD vào quý 2 năm 2017. Chính quyền liên bang được kỳ vọng là sẽ trả khoảng 474,5 tỷ USD tiền lãi cho tổng số nợ trong năm tài chính 2017.
Chính quyền liên bang Hoa Kỳ đang được hưởng mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử đối với tổng số nợ, chủ yếu là nhờ những nỗ lực của Ngân hàng Dự trữ Liên bang để giữ tỷ lệ lãi suất thấp trong suốt cuộc đại suy thoái.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cũng đã thừa nhận về khó khăn do khoản nợ khổng lồ này gây ra. Khoản nợ gia tăng đã kéo theo cả lãi suất chính phủ, gây thêm sức ép với ngân sách, và làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.