Theo chuyên gia y tế, việc tham gia các hoạt động thể thao không chuyên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.
Hiện nay, các giải thi đấu thể thao không chuyên đang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Phong trào này góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, việc tham gia các hoạt động thể thao không chuyên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe…
Nhiều sự cố đáng tiếc
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm Việt Nam có 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy niềm đam mê thể thao tại Việt Nam…
Tuy nhiên, nhiều sự cố đáng tiếc liên quan đến các hoạt động thể thao không chuyên trong thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn y tế và tính mạng cho người tham gia.
Mới đây, ngày 13/10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 6 bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiệt rối loạn ý thức: lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu; xét nghiệm có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận. Qua khai thác nhanh, được biết 6 bệnh nhân đang tham gia giải chạy marathon.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu: làm mát cơ thể, truyền dịch, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chức năng các tạng của người bệnh. Sau đó, 6 bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức nội khoa và Chống độc và Khoa Nội thận lọc máu để tiếp tục điều trị.
Theo BS. Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong vài năm gần đây tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức và đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon.
Cũng trong năm 2024, một số trường hợp tử vong vì đột quỵ trong khi tham gia các giải chạy Marathon tại Việt Nam cũng đã được ghi nhận.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Võ Tường Kha, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc tham gia các hoạt động thể thao không chuyên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là chấn thương gân, cơ, xương khớp do không đảm bảo kỹ thuật và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng…
“Nhìn chung, mặc dù phong trào thể thao không chuyên mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng cũng đòi hỏi sự quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn và sức khỏe để đảm bảo hiệu quả và tránh những hậu quả không mong muốn”, PGS. TS Võ Tường Kha nói.
Nhiều rủi ro sức khỏe cho người tham gia
Theo chuyên gia Võ Tường Kha, hoạt động thi đấu thể thao là sự nỗ lực hết mức về cả thể chất, tinh thần, kéo theo biến đổi về sinh lý, sinh cơ, sinh hóa... để đáp ứng nhu cầu thi đấu của các nội dung này. Đó là các biến đổi tác động lên hệ thần kinh (cao cấp- não bộ, thần kinh thực vật, vận động), trục HPA, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp (trong và ngoài), hệ nội tiết - thể dịch - miễn dịch, hệ tạo máu, hệ vận động... Hoạt động của các hệ này tác động điều phối lên chuyển hóa năng lượng, dẫn truyền thần kinh, điều hòa thân nhiệt, chuyển hóa nước – điện giải,…
Lượng vận động, căng thẳng quá mức dẫn đến các hệ thống cơ thể nói trên không thích nghi kịp nhu cầu hoạt động thể chất, sẽ dẫn đến hệ thống, tổ chức, tế bào “quá tải” và biểu hiện ra triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cấp cứu hoặc tối cấp cứu đe dọa sinh mạng của người tham gia.
Các biểu hiện bệnh lý hay gặp là các nguy cơ về: chấn thương cơ –xương - khớp, kiệt sức, sốc nhiệt, mất nước, điện giải các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, da, nhiễm trùng cơ hội, suy giảm miễn dịch..., các cơ thảm do cháy nổ, ngộ độc khí, thực phẩm...
Các bệnh lý cấp cứu có thể gặp khi tham gia các giải đấu này bao gồm: Bệnh lý tim mạch thường gặp là tăng huyết áp,nhịp tim nhanh, (chạy ngắn, trung bình), tụt huyết áp (chạy dài). Nặng hơn là cường thất, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não (thiếu mãu não do tụt huyết áp/xuất huyết não do tăng huyết áp kịch phát gây liệt nửa người, hôn mê)... dẫn đến đột quỵ, ngừng tim.
Người tham gia cũng có thể gặp phải các bệnh lý hô hấp trong thi đấu các giải chạy như: Khó thở cấp do thiếu dưỡng khí cấp; Co thắt phế quản do gắng sức; Tắc nghẽn thanh quản; Nhiễm trùng đường hô hấp trên bệnh cấp tính
Kiệt sức, mệt mỏi cũng thường gặp ở những người tham gia các giải điền kinh chạy bán marathon, chạy marathon, đi bộ thể thao,… Tình trạng sốc nhiệt do mất cân bằng điều hòa nhiệt với các triệu chứng thường gặp nôn và nôn, nhịp tim nhanh, chóng mặt, chuột rút cơ, cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi và ngất,…
Mất nước, điện giải, rối loạn cân bằng điện giải; Nguy cơ nhiễm trùng cơ hội, do giảm miễn dịch,… cũng là tình trạng thường gặp.
Do đó, PGS.TS Võ Tường Kha nhấn mạnh, công tác chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng các tình huống cấp cứu của y tế thể thao vô cùng quan trọng, phòng tránh rủi ro và bảo vệ tính mạng của người tham gia, đảm bảo an toàn y tế cho giải đấu thành công.
“Công tác tổ chức các giải thể thao không chuyên, theo phong trào cần xác định rõ vai trò của Ban tổ chức trong công tác đảm bảo an toàn y tế. Phải có kế hoach về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, đội ngũ nhân lực. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật hồi sức cấp cứu, chấn thương, xử lý thảm họa, phòng chống dịch bệnh, vận chuyển bệnh nhân lên đúng tuyến trên... Chuẩn bị sẵn sàng kết nối thông tin liên lạc với cơ quan y tế, bệnh viện chuyên khoa cấp cứu khi có sự cố xảy ra”, chuyên gia Võ Tường Kha nói.