Dòng tộc Nguyễn Tường là dòng tộc khoa bảng nổi danh ở đất Hội An (Quảng Nam). Nhưng ít người biết đến ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì (khu phố Tu Lễ, phường Cẩm Phô), nơi thờ tự danh thần Nguyễn Tường Phổ (1807-1856) cùng hậu duệ trong đó có nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của nhóm Tự lực văn đoàn.
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì.
Phái nhất và phái nhì
Khai quốc công thần triều Nguyễn - Binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774-1822) có ba người con: Nguyễn Tường Vĩnh (1799-1860) Nguyễn Tường Khuôn (1804-1849), và Nguyễn Tường Phổ.
Dòng dõi Nguyễn Tường Vĩnh là phái nhất của tộc Nguyễn Tường ở Hội An, được thờ ở nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hội An). Vì nhà thờ phái nhất được xếp hạng di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2008) và đã mở cửa khai trương cho khách du lịch tham quan nên được nhiều người biết đến, và rất nhiều người nhầm lẫn nơi đây có thờ Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và các nhà văn Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo).
Theo ông Nguyễn Tường Mạnh, hậu duệ đời thứ 12 của dòng tộc Nguyễn Tường, vì Nguyễn Tường Khuôn là con rể của danh tướng Lê Chất, con cháu biệt tích sau vụ án Lê Chất; nên, dòng dõi Nguyễn Tường Phổ là phái nhì của tộc Nguyễn Tường. Cụ Nguyễn Tường Phổ có một con trai là Nguyễn Tường Tiếp (1831- 1890), thi đỗ Tú Tài, đến năm 1874, theo làm quan văn cho Phạm Phú Thứ (1821-1882) khi Phạm Phú Thứ làm Thự Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương và Quảng Yên). Nguyễn Tường Tiếp có 4 con trai trong đó có con trai út là Nguyễn Tường Chiếu (1880-1918). Đời cụ Chiếu gia cảnh sa sút nên ở luôn Hải Dương không về quê. Và cụ Chiếu chính là thân phụ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Biển “ân tứ vinh quy” ngày tiến sĩ Nguyên Tường Phổ vinh quy bái tổ.
Nhà thờ phái nhì
Hiện, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và hậu huệ, trong đó nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam đều được thờ tại nhà thờ Nguyễn Tường phái nhì.
Nói về Nguyễn Tường Phổ, năm Tân Sửu (1841), đỗ cử nhân, năm Nhâm Dần (1842), đỗ Tiến sĩ. Theo “Quốc triều đăng khoa lục”, Nguyễn Tường Phổ là người đầu tiên ở Quảng Nam khi đó đậu tiến sĩ mà kinh qua cả 3 kỳ thi Hương - Hội – Đình, vì trước đó, từ khi vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên năm 1807, vùng đất Quảng Nam chưa ai đậu tiến sĩ nên vua Minh Mạng đặt cách cho các sĩ tử Quảng Nam không cần thi Hương mà chỉ thi Hội và thi Đình, với điều kiện Đốc học của tỉnh giới thiệu. Tiến sĩ khai khoa Lục tỉnh Lê Thiện Trị đậu khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1838 cũng bởi sự đặt cách đó. Trên địa phận Hội An bây giờ chỉ có Nguyễn Tường Phổ là người đậu Tiến sĩ nhà Nguyễn.
Đời làm quan của cụ kinh qua các chức Hàn lâm viện biên tu ở Nội các, tri phủ Hoằng An (Bến Tre), tri phủ Tân An (Gia Định), Giáo thọ Điện Bàn (Quảng Nam), Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương. “Quốc triều đăng khoa lục” chép rằng Nguyễn Tường Phổ là “người có khí tiết, không a dua, không thiết gì về sự thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ chén rượu làm vui…”. Cụ cũng là người chuyên tâm về giáo dục, “dạy người không biết mệt, cốt thực bỏ hủ, trước nghĩa lý sau mới văn chương…” (Đại Nam thực lục). Hiện, thành phố Đà Nẵng đã có tên đường Nguyễn Tường Phổ.
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì còn lưu lại nhiều di cảo của Nguyễn Tường Phổ, là các sáng tác, sao chép, sưu tầm của tiến sĩ bao gồm thơ, chúc thư, câu đối, thư mời lo việc tế xuân, văn tế, bài dự thảo văn bia, hành thuật…Năm 2015, con cháu đã sao tặng cho Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An hàng trăm tài liệu là di cảo của Nguyễn Tường Phổ, cùng gia phả, tấu trình, hành trạng của các nhân vật trong tộc Nguyễn Tường. Có những tư liệu từ đời nhà Lê, đời Tây Sơn. Có di bút của Phạm Phú Thứ, là thư của cụ Phạm gửi cụ Nguyễn Tường Phổ về việc lập văn miếu Điện Bàn, lời bình thơ Nguyễn Tường Phổ của Phạm Phú Thứ. Đây là di bút duy nhất còn lại của Phạm Phú Thứ khi nhà thờ Phạm Phú tộc ở Gò Nổi bị cháy mất sạch tư liệu.
Di bút của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.
Trong nhà thờ còn có tấm biển, cờ ngày Nguyễn Tường Phổ vinh quy bái tổ. Còn giữ lại nhiều kỷ vật như tấm thiếp của Phan Thanh Giản đi đám tang Nguyễn Tường Phổ. Cùng rất nhiều hiện vật, tư liệu của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Theo ông Nguyễn Tường Mạnh, ngày trước có một người tộc Huỳnh ở địa phương gả con gái cho Nguyễn Tường Tiếp - con trai cụ Nguyễn Tường Phổ. Họ Huỳnh tặng mảnh đất làm của hồi môn cho con gái. Sau khi vợ chồng Nguyễn Trường Tiếp qua đời, ngôi nhà trở thành nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì. Nhà thờ mái tranh vách ván, năm 1927 mới lợp ngói, năm 1967 con cháu cho xây tường bằng táp lô mái lợp tôn, năm 2008 xây lại với kinh phí 450 triệu đồng, thành một ngôi nhà thờ 3 gian hai chái, trụ gỗ, mái ngói âm dương, ngự trên khuôn viên rộng 3.400 mét, đầy cây xanh và hoa cỏ.
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì được xây dựng sau, cũng như kiến trúc không thể sánh bằng nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (dựng năm 1806), nhưng nhà thờ phái nhì còn lưu giữ nhiều thư tịch quý giá, và nhà thờ cũng gắn liền với danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng 3 nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, những người đặt nền móng cho văn học hiện đại Việt Nam. “Với sự đề nghị của ngành văn hóa Hội An cũng như mong muốn của con cháu trong tộc, sắp tới con cháu chúng tôi sẽ làm hồ sơ trình công nhận nhà thờ là di tích cấp tỉnh”- ông Nguyễn Tường Mạnh cho biết.