Chuyện kể dưới gốc đa

Trang Yên 08/01/2018 16:33

Làng Nga Thiện huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá nằm cheo leo nơi vách đá giáp với dãy núi Tam Điệp Ninh Bình. Chính vì thế những con đường quanh co ven núi ven đồi qua bao nhiêu năm đá trồi lên đất phơi mình trước gió.  Những con đường với những viên đá xanh nhấp nhô, chai lì kiên nhẫn bám giữa tháng nắng mưa dầm.

Chuyện kể dưới gốc đa

Làng Nga Thiện nằm lọt thỏm dưới bóng cây đa già hàng trăm tuổi như người mẹ chở che đàn con suốt bốn mùa khắc nghiệt. Gốc đa già cũng là cửa ngõ để đi vào làng rồi tới động Từ Thức huyền thoại. Nơi chàng Từ Thức đã gặp nàng Giáng Hương ngày xưa.

Bà tôi ngày ngày vẫn lên núi kiếm củi, những đon củi được xếp đều tăm tắp, buộc tròn căng sau mỗi chiều về. Một ngày có lẽ đã ở rất xa, bà phải để lại một ngón tay nơi vách núi trong lúc vội vã trở về làng trước cơn lũ quái. Dù vậy trước khi đi về làng, bà vẫn không quên dừng lại gốc đa, nhìn ra phía đồng rồi mới đi tiếp. Thủa bé, mỗi lần chơi chán với gốc đa, bà sẽ đón tôi bằng đôi bàn tay bốn ngón? Những con tay ngắn, khô khốc, chai sần bà đã dắt tôi lớn lên với bao khát vọng. Để rồi khi trưởng thành ta mới nhận ra, kỷ niệm đẹp đẽ nhất chính là trên đôi tay của bà.

Đó là những buổi trưa hè, đó là những đêm lộng gió... sau bữa cơm cà pháo rau đay bà nghe tiếng trẻ con réo nhau bà lại lộc cộc đi theo. Tôi yêu gốc đa già với những trò chơi trốn tìm không biết chán. Nhưng ấu thơ không nói cho tôi biết vì sao bà không bao giờ chơi trốn tìm dưới gốc đa… nhưng bà cũng mê gốc đa già đến kỳ lạ. Bà cứ ngồi dưới gốc đa, phe phẩy cái quạt nhìn đám trẻ con quậy phá bày trò chơi. Có khi bà nhìn ra cánh đồng nơi bóng trăng tròn rọi xuống vằng vặc.

Có lần tôi hỏi thẳng: “Sao bà theo cháu”? Bà bảo: “Bà đi theo trăng”. Nhưng ở nhà cũng có trăng mà, sao lại phải ra gốc đa. Tôi nghĩ thế và đoán chẳn chắn bà cũng thích gốc đa như đám trẻ con. Bởi dưới gốc đa già có hàng trăm câu chuyện lạ kỳ. Chẳng thế mà cây đa không cần tưới nước quanh năm vẫn xanh tốt. Chẳng thế mà trưa nắng chói chang, những người say nắng đều được đưa lên gốc đa nằm một lúc rồi tỉnh. Đám trẻ con cũng mê tít những ngọn gió lồng lộng dưới đêm trăng và tôi cũng mê tít câu chuyện cổ tích của bà.

Nhiều lần vì mải chơi trốn tìm, không chịu về đi ngủ, bà dọa “thần cây đa, ma cây đề”. Nghe thế tôi mới chịu lẽo đẽo theo bà về đi ngủ. Sau này lớn hơn, bà bảo cây đa thường sống hàng trăm năm tuổi, mà các vị thần cũng sống hàng trăm tuổi nên hay ngụ ở các gốc đa kể chuyện thần tiên. Niềm tin ấy nuôi nấng tuổi thơ tôi chỉ toàn ánh trăng vàng, tiếng cười lanh canh lẫn trong trò chơi trốn tìm và mê mải trong các câu chuyện cổ diệu kỳ.

* * *

Làng Nga Thiện còn có chợ Viềng, chợ quê heo hút nằm gần nghĩa địa nhưng đó là niềm tự hào của cả làng. Các dì, các bác và mẹ dù đã lấy chồng xa xứ nhưng mỗi lần về quê vẫn không phải trả tiền vào chợ.

Tôi trở về làng ra chợ tìm bà, lẫn trong tiếng gió rít chợt nhận ra đôi mắt bà mờ đục khi kể chuyện. Những câu chuyện của bà vẫn đẹp như trăng, tròn như trăng 16. Nhưng bà bước đi chậm hơn đám trẻ con trong làng. Tôi cầm tay bà, một tay bà cầm cái gậy thọc xuống kẽ hở của những viên đá xanh trên con đường. Bà dặn, gắng học cho giỏi để sau này về làm đường nhựa cho làng, lúc ấy bà sẽ đi nhanh hơn. Lẫn trong tiếng đuổi nhau của đám trẻ, tôi vâng rõ to.

Tôi không còn lớn nữa, và giờ đường làng đã trải nhựa, gốc đa già tróc vẩy im lìm. Mẹ tôi nói, người ta đang muốn chặt cây đa đi vì cây bị sâu đục ăn hết bên trong rồi. Tôi không nghe thấy gì cả, chỉ tiếng nô đùa của trẻ con chạy lanh canh dưới trăng.

Làng đang vào mùa cà, mùa nước nổi chớm đông. Bên kênh nước chảy tràn lênh láng rưng rưng. Năm ấy là vào đông, trên cánh đồng một màu hoa tím thắm, xa xa trên mộ ông mọc lên những bông hoa mới. Nơi những đêm trăng tròn 16 vằng vặc bà vẫn lặng lẽ nhìn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện kể dưới gốc đa