Buôn Tơng Rang A, xã Cư Drăm (Krông Bông- Đắk Lắk) hiện có 110 hộ, trong đó có 90 hộ đồng bào Ê Đê sinh sống.
Là một trong những buôn nghèo của xã Cư Drăm nhưng hiện nay, nhiều hộ dân ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống của người Ê Đê như nhà sàn, ghế Kpan, cồng chiêng, ché rượu cần, lễ cúng…
Tôi theo chân Trưởng buôn Y Riếu Ê Ban (tên thường gọi là Ama Hậu) vào một số gia đình người Ê Đê trong buôn còn giữ được những “di sản” truyền thống của dân tộc mình. Phần lớn các gia đình ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất với gần 80% hộ trong buôn thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình chưa có điều kiện mua những thiết bị hiện đại đắt tiền như máy lạnh, ti vi, tủ lạnh... Song buôn Tơng Rang A vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê Tây Nguyên.
A mí Riếu năm nay đã 81 tuổi nhưng bà vẫn giữ được bộ chiêng đồng (Cing K’nah) do tổ tiên ông bà để lại. Mặc dù gia đình ít khi sử dụng nhưng bà luôn giữ gìn cẩn thận. Khi con, cháu, anh em họ hàng trong gia đình hoặc gia đình nào trong buôn tổ chức lễ cúng nhưng không có đầy đủ bộ chiêng thì bà sẵn sàng cho mượn.
A mí Riếu chia sẻ: “Trước đây bố mẹ tôi còn sống, gia đình có đến 4 bộ cồng chiêng như thế này. Tất cả những bộ chiêng của gia đình đều được đổi bằng bò. Khi chồng tôi ốm đau, gia đình khó khăn, không có tiền mua thuốc chữa bệnh và mua bò để cúng nên phải bán đi mấy bộ. Nghĩ tiếc lắm nhưng cũng phải bán để lấy tiền trang trải. Hiện nay gia đình tôi còn giữ được 1 bộ, nhiều người cũng vào hỏi mua nhưng chúng tôi không bán. Bộ chiêng này sẽ để lại cho con cháu dùng trong các lễ cúng của gia đình”.
Với chị H Drin Niê thì luôn xem bộ cồng chiêng mà ông bà, cha mẹ trao tặng là “của hồi môn”. Là con gái út trong nhà nên chị H Drin đảm nhiệm việc phụng dưỡng cha mẹ và được giao gìn giữ bộ chiêng. Khi làm xong căn nhà, vợ chồng anh Y Chương A Dắt và chị H Drin được ông bà H Nang Niê (mẹ chị H Drin) trao lại cho bộ cồng chiêng. Dù chưa học đánh chiêng, không có nhà dài truyền thống nhưng vợ chồng anh Y Chương rất quý bộ chiêng đồng.
Đã có nhiều người vào hỏi mua nhưng anh chị đều từ chối, không bán, cất giữ cẩn thận. Còn với nghệ nhân đánh chiêng Y Nguyên Ê Ban (Ama Phơn) thì bộ ghế Kpan, những chiếc ché cổ là những thứ đã gắn bó với cuộc đời ông với biết bao kỷ niệm từ khi còn trẻ thơ, đặc biệt là bộ cồng chiêng. Ông luôn giữ gìn, bảo quản, chỉ khi nào tổ chức lễ cúng ông mới đem ra.
Ông Y Riếu Ê Ban, Trưởng buôn Tơng Rang A cho hay: “Năm 2018, Ban tự quản đi từng hộ gia đình để thống kê. Đến nay buôn vẫn còn khoảng 24 gia đình giữ được cồng chiêng, trong đó có một số hộ giữ được đủ bộ. Người dân trong buôn giữ được số lượng chiêng đồng nhiều thế này một phần nhờ các tổ chức, đoàn thể, già làng, trưởng buôn đã nỗ lực tuyên truyền. Đặc biệt, nhiều người dân trong buôn đã ý thức được giá trị về văn hóa, tâm linh của những nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng đang có nguy cơ bị mai một nên họ cố gắng gìn giữ. Song để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cồng chiêng thì các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa, tạo ra nhiều sân chơi cũng như không gian văn hóa phù hợp với điều kiện hiện tại ở các buôn làng”.
Buôn Tơng Rang A hiện có số lượng người biết đánh chiêng tương đối đông với khoảng 15 người (chưa kể lớp trẻ). Ngoài ra, buôn Tơng Rang A cũng là một trong những buôn đồng bào tại chỗ của xã Cư Drăm có nhiều gia đình còn giữ được nếp nhà sàn dài truyền thống của người Ê Đê. Một số ngôi nhà sàn đã được người dân nâng cấp, sửa chữa, thay thế nhiều lần hoặc được làm mới. Cả buôn có 90 hộ đồng bào Ê Đê, trong đó có 43 hộ có nhà sàn dài (không kể nhà ngang làm bếp).
Theo Ama Seo - Già làng buôn Tơng Rang A, việc gìn giữ được nếp nhà sàn truyền thống hiện nay rất khó vì những vật liệu để làm nhà sàn trước đây như gỗ, lồ ô, tre, nứa, cỏ tranh ngày một hiếm; nhiều gia đình có xu hướng làm nhà trệt. Song, có chiêng, có rượu cần, có bếp lửa nhưng thiếu không gian là ngôi nhà sàn, ghế Kpan thì lễ cúng sẽ giảm bớt linh thiêng. Vì vậy người dân ở đây tuy nghèo nhưng nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực, cố gắng gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống.